Giá than châu Á thấp nhất 2 năm, vì sao?

Giá than nhiệt vận chuyển bằng đường biển ở châu Á đã liên tục giảm từ giữa tháng 12 năm ngoái xuống mức thấp nhất trong 2 năm.

Nhu cầu than suy yếu và giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giảm trên thị trường châu đang ảnh hưởng tới thị trường than châu Á.

Giá xuất khẩu các loại than nhiệt chính của 2 nhà xuất khẩu than hàng đầu thế giới - Indonesia và Australia tuần vừa qua đã kéo dài chuỗi ngày giảm.

Than Indonesia hàm lượng năng lượng 4.200 kilocalories mỗi kg (kcal/kg) đã giảm xuống còn 52,40 USD/tấn trong tuần kết thúc vào 16/6, theo dữ liệu của cơ quan báo cáo giá hàng hóa Argus. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Giá loại thành này – tiêu thụ phổ biến ở cả 2 nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới là Trung Quốc đại lục và Ấn Độ - hiện đã giảm 57% so với mức cao kỷ lục chạm tới vào tháng 3/2022, là 120,86 USD (khi thị trường toàn cầu căng thẳng bởi lo ngại về nguồn cung sau khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.

Than Úc hàm lượng năng lượng 5.500 kcal/kg, cũng là một loại than được Trung Quốc và Ấn Độ mua và tiêu thụ mạnh, đã giảm xuống còn 84,17 USD/tấn vào tuần trước, giảm 70% so với mức cao kỷ lục 280,20 USD vào tháng 3 năm ngoái, hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021.

Than nhiệt cao cấp của Úc, chủ yếu được xuất khẩu tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), giảm xuống còn 118 USD/tấn vào thứ Hai (19/6), hiện đang được giao dịch ở mức chỉ bằng khoảng 1/4 mức cao kỷ lục.

Tại Trung Quốc, giá than trong nước giảm kéo giá than nhập khẩu giảm theo. Cụ thể, than nội địa hàm lượng năng lượng 5.500 kilocalories (kcal) tại các cảng phía bắc Trung Quốc cuối tháng 5/2023 giao dịch ở mức khoảng 770 nhân dân tệ (108,14 USD)/tấn, trong khi than nhập khẩu có chất lượng tương tự tại các cảng phía nam nước này giá 99 USD/tấn (CFR) trong cùng thời điểm.

Sự phục hồi kinh tế yếu hơn dự kiến và tình trạng bất ổn trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất đã ảnh hưởng đến nhu cầu than ở Trung Quốc, khiến lượng than nhập khẩu vào nước này trong tháng 5 giảm 2,7% so với tháng trước đó.

Đáng chú ý là loại than nhiệt có mức giảm giá mạnh nhất là loại có hàm lượng năng lượng cao của Úc, loại nhiên liệu chịu sự cạnh tranh nhiều nhất với LNG ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Giá LNG giao ngay tại Châu Á - khu vực nhập khẩu khí hàng đầu thế giới – trong tuần kết thúc vào ngày 16/6 đã tăng tuần đầu tiên kể từ giữa tháng 12/2022, nhảy vọt lên 13,50 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), tăng 50% so với mức 9,00 USD của tuần trước. Điều này có thể ngăn chặn đà giảm giá than kéo dài đã nửa năm nay.

Tuy nhiên, mức giá 9,00 mỗi mmBtu LNG là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 và cũng thấp hơn 87% so với mức cao kỷ lục 70,50 USD/mmBtu hồi cuối tháng 8 năm ngoái.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu năm ngoái tăng mạnh đã tác động lây lan sang châu Á, mặc dù nhu cầu đối với nhiên liệu siêu lạnh giao ngay ở châu Á vẫn không có gì nổi bật, đặc biệt là ở nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới - Nhật Bản, chủ yếu do nước này có lượng tồn trữ dồi dào.

Châu Âu ảnh hưởng tới châu Á

Sau mặt hàng khí đốt, Châu Âu cũng đang có tác động đến giá than nhiệt vận chuyển bằng đường biển của Châu Á, do nhu cầu ở Châu Âu giảm khiến các nhà cung cấp dễ chuyển hướng thị trường như Nam Phi quay sang gia tăng xuất khẩu trở lại thị trường Châu Á.

Nhập khẩu than nhiệt bằng đường biển vào châu Âu dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm vào tháng 6. Theo dữ liệu theo dõi bởi công ty phân tích hàng hóa Kpler, lượng than nhập khẩu đến châu Âu trong tháng này đến nay là 4,38 triệu tấn.

Mặc dù con số này vẫn có thể tăng do nhiều hàng hóa được đánh giá trước cuối tháng, nhưng chắc chắn nhập khẩu của tháng 6 sẽ thấp hơn 5,29 triệu tấn của tháng 5 và có thể không nhiều hơn một nửa so với mức cao nhất hồi mùa đông là 8,89 triệu tấn của tháng 12/2022.

Theo dữ liệu của Kpler, Nam Phi đã cung cấp 1,53 triệu tấn cho châu Âu vào tháng 12/2022, nhưng con số này đang trên đà giảm xuống còn khoảng 535.000 vào tháng 6/2023.

Trái lại, châu Á đang trên đà gia tăng nhập khẩu than Nam Phi, lên gần 4 triệu tấn trong tháng 6, tăng so với 2,28 triệu tấn vào tháng 12.

Than Mỹ cũng trong tình trạng tương tự như than Nam Phi. Trong tháng 6/2023, Châu Âu nhập khẩu 432.800 tấn than Mỹ, giảm so với 909.092 của tháng 12/2022. Trong khi đó, nhập khẩu than Mỹ vào châu Á dự kiến sẽ là 2,06 triệu tấn trong tháng 6, tăng từ 581.758 tấn hồi tháng 12.

Kpler dự kiến tổng nhập khẩu than nhiệt bằng đường biển của châu Á là 76,49 triệu tấn trong tháng 6, giảm so với mức 80,01 triệu tấn của tháng 5.

Mặc dù vậy, tháng 5 và tháng 6 vẫn là hai tháng nhập khẩu than vào châu Á mạnh nhất kể từ tháng 1 năm 2017, theo dữ liệu của Kpler, và năm 2023 đã chứng kiến 4 trong số 5 tháng nhập khẩu than nhiệt mạnh nhất được ghi nhận trong lịch sử.

Rõ ràng là giá than ở châu Á giảm không phải do nhu cầu yếu, mà giá LNG giao ngay rẻ hơn trước và việc chuyển hướng than từ châu Âu mới là những yếu tố chính.

Giá LNG có thể đang phục hồi khi nhu cầu cao điểm vào mùa hè đến, nhưng đà hồi phục có thể bị hạn chế do các nhà cung cấp ở Lưu vực Đại Tây Dương liên tục thúc đẩy bán than vào thị trường châu Á.

Giá than châu Á thấp nhất 2 năm, vì sao? - Ảnh 1.

Châu Âu tác động tới thị trường than châu Á.

Tham khảo: Reuters

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/gia-than-chau-a-thap-nhat-2-nam-vi-sao-a48638.html