Bệnh tay chân miệng chuyển nặng rất nhanh, cha mẹ không nên chủ quan

Enterovirus 71 mà đặc biệt là gene B5 là chủng virus có độc lực cao, gây nhiều biến chứng nguy hiểm và lây lan rất nhanh. Do đó, điều quan trọng là phát hiện sớm tình trạng mắc tay chân miệng ở trẻ để có hướng xử trí kịp thời.

Bất ngờ khi con mắc tay chân miệng 

Khi thấy con hay quấy khóc, lúc ngủ thường bị giật mình, chị Lê Phương ở Hà Nội không hiểu nguyên nhân vì sao. Kiểm tra khắp người con, chị thấy dưới bàn chân của bé có hai mụn nước rất nhỏ. Đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám, chị rất bất ngờ khi được bác sĩ thông báo bé mắc tay chân miệng độ 2, phải nhập viện ngay để theo dõi và điều trị bởi bệnh sẽ chuyển nặng rất nhanh, nguy cơ cao đe dọa tính mạng. Bởi bé mới 2 tuổi, chưa đi nhà trẻ nên chị Phương cũng không rõ nguồn lây bệnh.

Sau khi nhập viện, bệnh tình của bé Gia Bảo con chị Phương tiếp tục diễn tiến nặng hơn với các biểu hiện nôn trớ, sốt cao trên 40 độ, dùng thuốc hạ sốt không có tác dụng, hay giật mình khi ngủ. Được các bác sĩ điều trị tích cực, đến ngày thứ ba bé mới hạ sốt, sức khỏe dần được cải thiện và được xuất viện sau 5 ngày điều trị.

Enterovirus 71 là nguyên nhân gây ra bệnh nặng

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam – Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho biết, nhóm virus đường ruột, điển hình là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71) là thủ phạm chính gây ra bệnh tay chân miệng. Trong đó, Coxsackievirus A16 thường gây ra các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng. Enterovirus 71 mà đặc biệt là gene B5 khiến các ca tay chân miệng năm nay nặng hơn. Đây là chủng virus có độc lực cao, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc tính lây lan nhanh, đã từng gây ra những đợt dịch rất lớn trước đây.

Bệnh tay chân miệng chuyển nặng rất nhanh, cha mẹ không nên chủ quan - Ảnh 1.

Trẻ mắc tay chân miệng nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh

“Đặc điểm của EV71 là không gây ra các triệu chứng rầm rộ và điển hình của bệnh tay chân miệng như là các chủng lành tính khác. Các bậc cha mẹ sẽ không thấy trẻ xuất hiện các nốt phỏng nước rõ rệt ở tay, chân, miệng mà đôi khi chỉ là một vài mụn nước rất nhỏ ở những chỗ khuất như lòng bàn chân hay sâu trong miệng nên rất khó phát hiện bệnh sớm. Đồng thời, số ca mắc tay chân miệng trong các năm gần đây không nhiều nên các bậc cha mẹ và cán bộ y tế tuyến cơ sở có thể chủ quan, bỏ sót các triệu chứng của bệnh, đến khi phát hiện ra thì đã tương đối muộn, trẻ đã chuyển sang giai đoạn nặng” – BS Nguyễn Trần Nam nói.

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng chuyển nặng

BS Nguyễn Trần Nam cho biết, trẻ mắc tay chân miệng do EV71 gây ra có thể gặp các biến chứng như:

-Viêm màng não do virus: Đây là tình trạng nhiễm trùng và viêm ở màng não và dịch não tủy (bao quanh não cùng tủy sống).

-Viêm não: Tình trạng này rất nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng, do virus gây ra viêm ở não.

-Liệt chi: người bệnh yếu, liệt mềm một hoặc nhiều chi.

Đồng thời, bệnh cũng có thể gây ra biến chứng như tổn thương cơ tim, suy tim, trụy tim mạch, suy thận, phù phổi cấp khiến trẻ rơi vào hôn mê và nguy hiểm đến tính mạng.

“Khi mà để xảy ra biến chứng nặng tổn thương não, nếu không can thiệp kịp thời thì khả năng cứu sống bé sẽ giảm đi rất nhiều. Theo thống kê, đối với trường hợp mắc tay chân miệng độ 3 tức là có biến chứng thần kinh thì tỷ lệ cứu sống chỉ khoảng 60 -70%. Nhưng khi sang độ 4 thì tỉ lệ chỉ còn 50 %, tức là nó giảm đi rất nhiều. Vì thế, đối với những trường hợp phát hiện trễ thì chúng ta sẽ làm mất thời gian vàng để chăm sóc và điều trị cho trẻ” – Bác sĩ Nguyễn Trần Nam nói.

Để phát hiện sớm trẻ mắc tay chân miệng, bác sĩ Nguyễn Trần Nam hướng dẫn, khi thấy trẻ có các dấu hiệu như ăn uống kém, khó nuốt, chảy nước miếng, quấy khóc, xuất hiện những mụn nước nhỏ ở bàn chân kèm theo sốt cao 39 – 40 độ C thì các bậc cha mẹ không nên chủ quan.

Đặc biệt, khi thấy các dấu hiệu như: trẻ sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì hoặc ngủ gà gật, giật mình, hốt hoảng, chới với, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, run tay, chân hoặc co giật, vã mồ hôi, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, yếu tay chân, da nổi vân tím hoặc xanh tái...thì cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ khám, theo dõi và điều trị. Bởi đây là những triệu chứng cảnh báo xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

“Bệnh tay chân miệng diễn biến rất nhanh. Nếu chúng ta bỏ sót các triệu chứng ban đầu thì chỉ trong vòng 24 tiếng bệnh đã có thể chuyển nặng. Do đó, khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường, các bậc cha mẹ không nên chậm trễ mà cần đưa ngay bé đến cơ sở y tế, bất kể thời điểm nào, không nên đợi qua đêm đến sáng vì có thể khiến mất đi khoảng thời gian vàng trong điều trị” –BS Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh./.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/benh-tay-chan-mieng-chuyen-nang-rat-nhanh-cha-me-khong-nen-chu-quan-a48223.html