Lê Đức Quân nhận học bổng thạc sĩ toàn phần chuyên ngành Hoá phân tích từ Đại học York (Canada). Ảnh: NVCC. |
Lê Đức Quân hiện là sinh viên năm 4 ngành Hóa dược, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cuối tháng 6, Quân mới chính thức tốt nghiệp. Nhưng ngay từ tháng 5, nam sinh đã nhận thông báo trúng tuyển học bổng thạc sĩ toàn phần chuyên ngành Hóa phân tích từ Đại học York (Canada).
“Sáng sớm hôm đó, mình kiểm tra email khi vừa thức dậy. Nhìn thấy thông báo trúng tuyển sớm từ giáo sư, mình tỉnh cả ngủ, vỡ òa sung sướng, hạnh phúc và tự hào vô cùng", Quân chia sẻ.
Từng trượt nguyện vọng 1 vì chủ quan
Những năm học phổ thông, Quân nhiều năm đạt học sinh giỏi. Tuy nhiên, trong kỳ thi đại học năm 2019, Quân lại thiếu một chút điểm để đỗ nguyện vọng 1 vào Đại học Dược Hà Nội.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, nam sinh cho biết trong thời gian ôn tập, cậu đều đạt kết quả tốt trong các kỳ thi thử, nhất là bài thi môn Hóa.
Điều đó khiến Quân tự tin quá mức, cậu bỏ qua môn Hóa và dành hầu hết thời gian cuối cùng để ôn tập các môn còn lại.
“Thế nhưng, với sự chủ quan đó, mình đã bỏ lỡ cơ hội đỗ nguyện vọng 1. Điểm bài thi môn Hóa học thậm chí còn thấp hơn điểm của 2 môn còn lại trong tổ hợp A00”, Quân chia sẻ.
Buồn, chán nản và thất vọng về bản thân là những gì Quân trải qua trong suốt khoảng thời gian sau đó. Chỉ đến khi đọc được câu chuyện Tái ông thất mã, nam sinh mới nhận ra khi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Thời điểm đó, cậu quyết định nộp hồ sơ vào ngành Hóa dược, Đại học Khoa học Tự nhiên, để thực hiện ước mơ trở thành nhà khoa học.
Quân cho biết ngay từ nhỏ, cậu đã nhen nhóm ước mơ này để sáng chế ra loại thuốc chữa căn bệnh ung thư vòm họng của bố. Thế nhưng, bố đã mất khi cậu 16 tuổi, điều này càng thôi thúc cậu thực hiện những mục tiêu mình đã đề ra để giúp đỡ những bệnh nhân ung thư khác.
Quả ngọt sau những nỗ lực
Tại Đại học Khoa học Tự nhiên, mỗi sinh viên đều phải lựa chọn một chuyên ngành để tham gia nghiên cứu khoa học. Để tiến nhanh đến ước mơ, Quân theo đuổi ngành Hóa phân tích, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường.
Những ngày đầu, chưa có kinh nghiệm, chân tay lóng ngóng, cộng thêm việc chưa tối ưu được thời gian, kết quả nghiên cứu của Quân thường không thuận lợi.
Dần dần, nam sinh sợ việc phải lên phòng thí nghiệm, sợ làm hỏng hóa chất hoặc thiết bị. Thế nhưng, sau thời gian tự tìm hiểu và có hướng dẫn của phó giáo sư, Quân tự tin và dần thu lại kết quả khả quan.
Mọi chuyện tưởng chừng thuận lợi, thế nhưng, nam sinh lại gặp khó khăn khi Covid-19 chặn đứng việc lên phòng thí nghiệm của sinh viên. May mắn, nhận được sự hỗ trợ của phó giáo sư, Quân được làm quen với môi trường phòng thí nghiệm chuyên nghiệp, đồng thời được thực tập tại Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia.
Đến tận cuối năm 3, Quân mới được quay trở lại phòng thí nghiệm của trường. Nam sinh bắt đầu hăng say hơn với việc nghiên cứu.
“Mình dành hầu hết thời gian rảnh ở phòng thí nghiệm, hơn 20 giờ/tuần. Mỗi khi phát hiện ra điều gì mới mẻ, mình lại cảm thấy sung sướng, hạnh phúc bởi có những nghiên cứu phải thực hiện cả năm mới có kết quả", Quân kể.
Dù việc học và nghiên cứu chiếm nhiều thời gian, Quân vẫn tranh thủ đi làm gia sư để kiếm thêm thu nhập bởi từ khi bố mất, mẹ là trụ cột trong nhà. Mọi gánh nặng tài chính đều phụ thuộc vào tiền lương giáo viên của mẹ.
“Mình đi làm gia sư ngay từ năm nhất. Bên cạnh đó, nhờ có học bổng từ nhà trường và doanh nghiệp, mình có số vốn nhỏ để đầu tư vào một số kênh tài chính. Nhờ vậy, mình có thể tự lo học phí hệ chất lượng cao cũng như phụ giúp mẹ một số khoản nhỏ trong nhà", Quân chia sẻ.
Mọi nỗ lực của Quân được đền đáp khi cậu giành giải ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học. Những kết quả nghiên cứu của cậu cũng được xuất bản trên tạp chí khoa học uy tín và hội nghị khoa học quốc tế. Không những thế, khóa luận tốt nghiệp của Quân cũng đạt 9,7/10 điểm. Cuối tháng 6, Quân sẽ tốt nghiệp loại giỏi với GPA 3.5/4.
Bốn năm đại học, Quân theo đuổi ngành Hóa phân tích, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường. Ảnh: NVCC. |
Chọn học thạc sĩ tại Canada
Để theo đuổi con đường nghiên cứu, Quân lựa chọn học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Cơ duyên với Đại học York (Canada) đến với Quân cũng rất tình cờ.
Tháng 2, nam sinh có cơ hội tham gia hội thảo khoa học của GS Hóa học Sergey Krylov (Đại học York) và biết đến các học bổng của trường.
“Sau hội thảo, mình được dẫn giáo sư đi tham quan các địa điểm nổi tiếng ở Hà Nội. Nhờ đó, mình có cơ hội chia sẻ với giáo sư về nguyện vọng du học và được giáo sư động viên nộp hồ sơ vào trường", Quân nói.
Sau hôm đó, trở về nhà, Quân nhanh chóng chuẩn bị hồ sơ và gửi đến GS Sergey Krylov. Chỉ khoảng một tuần sau, nam sinh nhận thư mời phỏng vấn, đáp ứng được các yêu cầu và được nhận vào nhóm nghiên cứu.
Từ bước đà này, Quân tiếp tục nộp hồ sơ xin học bổng toàn phần (trị giá 1,5 tỷ đồng/2 năm học) và nhận được sự đồng ý của nhà trường.
Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, Quân cho biết vì nộp hồ sơ qua giáo sư, điều quan trọng, sinh viên phải thể hiện cho giáo sư thấy bản thân là người xứng đáng được trao cơ hội. Để làm được điều đó, Quân cho rằng quá trình 4 năm đại học chính là sự chuẩn bị tốt nhất.
Theo đó, bảng điểm là thứ đầu tiên giáo sư và bộ phận tuyển sinh nhìn vào và đánh giá. Tiếp đó, sinh viên phải thể hiện sự quyết tâm và định hướng cá nhân rõ ràng. Theo Quân, thư giới thiệu cũng là yếu tố quan trọng giúp mình nhận thông báo trúng tuyển.
“Bộ phận tuyển sinh yêu cầu 2 lá thư giới thiệu từ các thầy cô mình từng làm việc cùng. Đây hoàn toàn là bí mật giữa giáo sư tại Đại học York và Đại học Khoa học Tự nhiên. Vì vậy, đó là những đánh giá công tâm nhất", Quân chia sẻ.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tu-noi-that-vong-khi-truot-nguyen-vong-1-den-hoc-bong-du-hoc-toan-phan-a47790.html