Thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài cuối: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Mặc dù TMĐT xuyên biên giới đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có một số rào cản mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt, bao gồm các vấn đề liên quan đến pháp lý, quản lý vận chuyển, hải quan, thuế và chính sách thương mại quốc tế. Theo đó, DN cần có kiến thức và hiểu biết sâu về các quy định, quy trình thương mại quốc tế để đảm bảo tuân thủ đúng và tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh.

Còn nhiều rào cản

Hiện có nhiều nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp Việt bán hàng xuyên biên giới như Alibaba, Global Sources, TradeKe, Made-in-China, Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…

Thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài cuối: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Hiện có nhiều nền tảng TMĐT hỗ trợ bán hàng xuyên biên giới. Ảnh minh họa

Trong đó, Alibaba, Global Sources, TradeKey, Made-in-China, Amazon là các sàn TMĐT quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường quốc tế và tìm kiếm đối tác kinh doanh trên toàn cầu, đồng thời cung cấp các dịch vụ như giao dịch, tìm kiếm đối tác và tư vấn thương mại quốc tế.

Với các sàn TMĐT Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo... cũng đã mở rộng dịch vụ hỗ trợ bán hàng xuyên biên giới cho DN; đồng thời cung cấp cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế và hỗ trợ quảng bá, giao dịch và vận chuyển hàng hóa quốc tế cho doanh nghiệp Việt.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) Bộ Công Thương cho biết, với tiềm năng và cơ hội bán hàng xuyên biên giới qua TMĐT, Cục kỳ vọng có thể đạt được 256.000 tỷ đồng, tương đương 11,1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trên nền tảng TMĐT xuyên biên giới vào năm 2026.

Tuy nhiên, bà Lại Việt Anh cho rằng, để đạt được kỳ vọng, DN Việt cũng gặp nhiều rào cản và thách thức. Trên thực tế, trong các danh sách trên, không phải nền tảng TMĐT nào cũng sẵn sàng “cầm tay chỉ việc” cho DN một cách rõ ràng về cách thức bán hàng xuyên biên giới qua TMĐT.

Thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài cuối: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 2.

Các rào cản mà DN Việt Nam đang đối mặt khi xuất khẩu hiện nay.

Trong khi đó, quy định về thị trường xuất khẩu rất khắt khe, đòi hỏi các DN Việt phải nỗ lực bản thân để cạnh tranh và thích ứng tiêu chí, quy định của sản phẩm và môi trường TMĐT xuyên biên giới. Bên cạnh đó, vấn đề thông tin, nhân sự và chi phí… khi tính bài toán xuất khẩu nói chung và bài toán xuất khẩu qua xuyên biên giới nói riêng cũng là rào cản cho DN Việt. Trong đó, chi phí là một vấn đề nổi bật.

Theo các DN siêu nhỏ, vừa và nhỏ quan tâm (MSME), Việt Nam có thể tham khảo một số đề án phát triển về hỗ trợ của Chính phủ cho người bán từ các quốc gia khác. Điển hình như các khu vực Thí điểm Toàn diện (Comprehensive Pilot Zone, CPZ) của Trung Quốc cho TMĐT xuyên biên giới, trong đó các CPZ của Hàng Châu đã phát triển hai nền tảng: một nền tảng dịch vụ tích hợp trực tuyến và một nền tảng khu công nghiệp ngoại tuyến, cho phép trao đổi thông tin giữa các cơ quan Chính phủ dọc theo chuỗi giá trị, bao gồm hải quan, cấp vốn và thuế. Các nền tảng này đã giảm thời gian cần thiết để làm thủ tục thông quan và đơn giản hóa quy trình khai báo xuất khẩu cho các MSME.

Các MSME của Việt Nam cũng đã xác định một số rào cản pháp lý dẫn đến gánh nặng hành chính bổ sung, chẳng hạn như tuân thủ các quy định nhập khẩu và thuế hải quan khác nhau. Việt Nam đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do nhằm tạo thuận lợi cho thương mại thông qua các phương tiện kỹ thuật số. Trong số này, có “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương”, với các điều khoản nhằm khuyến khích MSME tham gia vào hiệp định thương mại tự do cũng như các điều khoản cụ thể liên quan đến thương mại điện tử. Để tiếp tục giải quyết những vấn đề này, Chính phủ nên tìm hiểu thêm các hiệp định tương tự với các nhóm khu vực khác và các đối tác thương mại song phương.

Nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ

Theo bà Lại Việt Anh, để hỗ trợ các DN chuyển đổi số cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình vươn ra thị trường quốc tế, ứng dụng TMĐT, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định, nghị định và văn bản. Điều này đã giúp cho các DN, đặc biệt là các MSME được hưởng lợi rất nhiều từ sự bùng nổ TMĐT.

Thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài cuối: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 3.

Bà Lại Việt Anh chia sẻ các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia bán hàng trên nền tảng TMĐT.

Ví dụ, Nghị định 80 hướng dẫn luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa ra những mức hỗ trợ rất cụ thể đối với DN trong quá trình ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số; hoặc khi tham gia bán hàng trên các nền tảng TMĐT lớn. Cụ thể, hộ trợ 50% chi phí mở gian hàng và duy trì gian hàng trên những nền tảng TMĐT trong nước và quốc tế.

Hay Quyết định 645 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, với rất nhiều giải pháp như nâng cao năng lực, đào tạo cho doanh nghiệp ứng dụng TMĐT cho DN đến các giải pháp hỗ trợ cho DN chuyển đổi số, mở website, tham gia các sàn TMĐT hoặc những chương trình TMĐT thường niên để kích cầu thị trường, để mở rộng thị trường bán hàng xuyên biên giới thông qua TMĐT, cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trình diễn công nghiệp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng của mình.

Một văn bản nữa là Quyết định 1415 của Thủ tướng Chính phủ về đề án thúc đẩy DN tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối toàn cầu, trong đó coi hỗ trợ DN tham gia bán hàng TMĐT xuyên biên giới mà một giải pháp cốt lõi. Quyết định này đề ra mục tiêu đào tạo 5.000 lượt doanh nghiệp trang bị kiến thức, kỹ năng ứng dụng TMĐT xuyên biên giới, coi đây là một kênh mà các DN có thể tham gia trực tiếp vào mạng phân phối toàn cầu.

Một ví dụ điển hình của việc này là EcomViet, một trung tâm phát triển thương mại điện tử cung cấp dịch vụ đào tạo và tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các MSME. Chương trình này cũng cho phép các MSME phát triển hơn nữa hoạt động kinh doanh qua kênh TMĐT của họ bên ngoài biên giới Việt Nam bằng cách tham gia vào thương mại toàn cầu. Một khía cạnh quan trọng trong hỗ trợ của EcomViet dành cho các MSME bao gồm phát triển năng lực trong thương mại kỹ thuật số và hiểu biết về các quy trình xuất nhập khẩu.

Thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài cuối: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 4.

Các DN Việt đang tìm hiểu về thông tin TMĐT xuyên biên giới.

Riêng về Cục TMĐT và Kinh tế số, đơn vị đã đồng hành hơn 10 năm cùng DN rất nhiều chương trình, từ những chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp, đến các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp, trong đó có giải pháp doanh nghiệp ứng dụng TMĐT xuyên biên giới từ cổng thông tin Vietnamexport, nơi cung cấp cho DN những thông tin về cơ hội giao thông, giao thương xuất khẩu đến nền tảng TMĐT để DN có thể trực tiếp kết nối với các đối tác nước ngoài…

“Đặc biệt, Cục TMĐT đã đồng hành cũng Amazon trong nhiều năm qua, đó là sáng kiến “TMĐT xuyên biên giới - Kỷ nguyên bức phá”, giai đoạn 2021 - 2026. Mục tiêu của chương trình này là đào tạo được 10.000 lượt DN được trang bị kiến thức, kỹ năng về TMĐT xuyên biên giới. Riêng trong năm 2022, Cục TMĐT và Amazon đã tổ chức được 9 sự kiện với khoảng 1.300 lượt doanh nghiệp tham gia. Năm 2023, Cục TMĐT sẽ tổ chức các sự kiện theo ngành hàng, theo địa phương một cách thiết thực để các doanh nghiệp có thể ứng dụng TMĐT để đưa các thương hiệu của mình thị trường nước ngoài thông qua TMĐT xuyên biên giới Amazon”, bà Lại Việt Anh chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, theo đại diện Amazon, ngoài những hỗ trợ của Chính phủ và các nền tảng TMĐT, bản thân các DN Việt cũng phải nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra những thương hiệu riêng có độ tin cậy để vươn xa trên thị trường TMĐT trong nước và xuyên biên giới.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-bai-cuoi-nhieu-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-a47210.html