Homestay có vị trí tại Hoà Bình, nằm trên quỹ đất 2ha. Khu nghỉ dưỡng hiện tại có 12 bungalow, được đầu tư khu vườn hồng, hệ thống đường bê tông chạy dọc, một bể bơi và khu nướng BBQ. Mức giá chào bán mà chủ nhà phát ra với môi giới là 45 tỷ đồng. Chủ nhà cho biết mức giá này đã cắt lỗ. Vì thực tế, tiền mua đất chỉ khoảng vài tỷ nhưng tiền đầu tư gấp hàng chục lần.
Một nhà đầu tư tên Đức (Hà Nội) “săn” homestay cắt lỗ cho rằng, mức giá 45 tỷ quá đắt. Qua quá trình khảo sát, nhà đầu tư này phân tích, khi chuyển giao quản lý vận hành, người mua mới cũng buộc phải chi thêm hàng tỷ đồng để bảo dưỡng, duy tu và thay đổi cách thức dịch vụ. Ngoài ra, muốn homestay thu hút được khác, câu chuyện tạo ra giá trị ý nghĩa từ hoạt động dịch vụ cũng như điểm nhấn khác biệt sẽ phải tạo mới. Nếu không, homestay khó có sức cạnh tranh.
Nhà đầu tư này cũng cho biết, nhiều homestay đang báo cắt lỗ nhưng giá neo ở mức rất cao, hàng chục tỷ đồng.
Chia sẻ về về câu chuyện thực hư chuyện cắt lỗ homestay N.A (một chủ homestay tại Thạch Thất, Hà Nội) hiện đang sở hữu khu nghỉ dưỡng rộng hơn 2000m2 tiết lộ, thực tế, chi phí mua đất thấp hơn rất nhiều chi phí đầu tư. Năm 2019, chủ homestay này mua lô đất hơn 2000m2 với mức giá khoảng 2,5 tỷ đồng. Homestay bắt đầu xây dựng từ năm 2020. Thế nhưng, chi phí để đầu tư và xây dựng hiện lên tới hơn 14 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần. Trong khi đó, để tiết kiệm chi phí nhân công, chủ homestay này cho biết, hai vợ chồng chị phải nghỉ việc văn phòng để trực tiếp tham gia vào xây dựng như mua nguyên vật liệu, tự chọn cây, trồng cây, mua đá về làm lối đi trong nội khu.
Thế nên, chị N.A cho rằng, vì chi phí đầu tư xây dựng cao và gồm nhiều hạng mục, không rõ ràng như chi phí đất nên trường hợp bán và phải cắt lỗ, thường người mua cũng sẽ khó xác định chính xác giá. Chưa kể, sau nhiều năm, sự khấu hao của tài sản trên đất cũng gia tăng. Chị N.A nhấn mạnh, có thể chủ homestay phải cắt lỗ thật sự vì chi phí xây dựng đầu tư luôn đội lên nhanh chóng.
Ở góc độ đơn vị chuyên thi công công trình homestay, nghỉ dưỡng ở khu vực vùng ven, ông Đoàn Mạnh, nhà sáng lập Combo Home cho biết, mới đây, doanh nghiệp này triển khai thi công công trình trên diện tích hơn 7200m2 với tổng chi phí hơn 8 tỷ đồng. Đây là mức giá “khá mềm” dành cho 2 căn nhà gỗ đầy đủ nội thất, bể bơi và một số hạng mục khác. Chi phí này chỉ bao gồm nội thất cơ bản. Hay như trước đó, đơn vị này thi công một căn nhà nghỉ dưỡng ở Ba Vì với diện tích hơn 130m2 với giá hơn 2 tỷ đồng. Ước tính chi phí xây dựng khoảng 13 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất chỉ dao động ở mức 4-6 triệu đồng/m2.
Theo ông Mạnh, chi phí xây dựng công trình nghỉ dưỡng trên khu vực địa hình cao luôn “đắt đỏ” so với vùng “đồng bằng”, có mặt bằng phẳng. Ngoài chi phí san lấp, chi phí nhân công đắt hơn hay như chi phí vận chuyển nguyên vật liệu cũng buộc gia tăng. Chưa kể với địa hình cao hơn, khí hậu khác biệt, việc lựa chọn nguyên vật liệu cũng phải lựa chọn phù hợp, có mức giá cao hơn.
Ông Mạnh lấy ví dụ như căn bungalow, chi phí xây dựng ước tính 200-400 triệu đồng/căn. Chi phí xây dựng làm bể bơi ước tính 5 triệu đồng/m2. Và chi phí xây nhà dự chi khoảng 13 triệu đồng/m2.