Theo Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, khi vận chuyển vải tươi sang Trung Quốc bằng đường sắt liên vận quốc tế, đơn vị vận tải sẽ đưa container lạnh chuyên dùng đến kho của doanh nghiệp.
Sau đó, đơn vị này sẽ vận chuyển về Ga Liên vận quốc tế Kép (Bắc Giang) để đưa lên cửa khẩu ga đường sắt quốc tế. Trong khi đó, doanh nghiệp nông sản sẽ chỉ đảm nhiệm hoàn thành các thủ tục để xuất khẩu hàng hóa.
Theo tính toán sơ bộ, với 1 container hàng được bảo quản lạnh vận chuyển từ Lục Ngạn (Bắc Giang) đi Bằng Tường (Trung Quốc) sẽ có giá khoảng 30 triệu đồng và container thường khoảng gần 20 triệu đồng. Thời gian di chuyển, sau khi đóng đủ hàng (khoảng 20 container/chuyến) dự kiến xấp xỉ 12 giờ, bao gồm cả thời gian làm thủ tục thông quan.
Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng đánh giá, giá cước vận chuyển này không giảm nhiều so với vận chuyển bằng đường bộ. Tuy nhiên, thời gian di chuyển nhanh hơn, khắc phục được tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu. .
Sau lô hàng thử nghiệm này, đơn vị đang thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp để các doanh nghiệp nắm rõ tình hình, từ đó chuyển hướng sang thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đường sắt, giảm áp lực thông quan cho đường bộ.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt Ratraco (1 trong những đơn vị vận chuyển), sau khi thí điểm thành công với lô hàng vải Lục Ngạn, những ngày tới đây, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng để xuất khẩu các lô hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Để phục vụ cho mùa vụ vải năm nay, đơn vị đã chuẩn bị các phương tiện vận tải hàng hóa chuyên dùng có thể vận chuyển từ 200 tấn đến 300 tấn vải thiều tươi/ngày, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nông sản đến các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) và vào thị trường các tỉnh phía Nam của nước ta.