Chuỗi cung ứng ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc phải đối mặt với những thay đổi sâu sắc khi quá trình chuyển đổi ô tô điện và ô tô thông minh tăng tốc, phá vỡ hệ thống cung ứng cũ và mang đến những đối thủ cạnh tranh mới.
Giám đốc điều hành một công ty đầu tư có vốn nhà nước của Trung Quốc cho biết: "Tỷ lệ thâm nhập xe điện của Trung Quốc hiện ở mức cao nhất thế giới và toàn bộ chuỗi cung ứng ô tô đang được đại tu. Thách thức và cơ hội đều ở phía trước".
Cuộc cạnh tranh 'cũ-mới'
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc chiếm 30% doanh số bán các loại xe năng lượng mới (NEV/New Energy Vehicle) toàn cầu, tiếp theo là châu Âu với hơn 20%, trong khi thị phần của Mỹ là 8% vào năm 2022.
Tại triển lãm ô tô quốc tế Thượng Hải mới diễn ra cách đây không lâu, hơn một phần ba trong số 1.400 ô tô được trưng bày là xe điện.
Một chiếc ô tô thông minh có thể được trang bị hàng chục, thậm chí hàng trăm mạch tích hợp, mỗi mạch chịu trách nhiệm cho một chức năng khác nhau như lái xe, giải trí hay giám sát áp suất lốp.
Các chip điều khiển đều được 'ra lò' từ các nhà sản xuất chuyên dụng. Trên thị trường quốc tế, các công ty sản xuất chip điện tử như Nvidia Corp., Qualcomm Inc. và Mobileye Inc. thống trị thị trường xe hơi cao cấp.
Tại Trung Quốc thì có các công ty như Huizhou Desay Sv Automotive Co. Ltd., Thunder Software Technology Co. Ví dụ, Desay là nhà tích hợp chính cho Nvidia ở Trung Quốc.
Chuỗi cung ứng phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất xe hơi thông minh, được phân chia theo sức mạnh tính toán, thuật toán và dữ liệu, hoàn toàn khác với cấu trúc kim tự tháp của chuỗi cung ứng ô tô truyền thống.
Hệ thống cung ứng cũ xếp hạng các nhà cung cấp theo cấp độ từ các nhà cung cấp các bộ phận hoàn chỉnh như hệ thống phanh hoặc ghế ngồi cho đến các công ty sản xuất đai ốc và bu lông..., các thành phần, bộ phận lẻ trong xe ô tô.
David Li, người sáng lập ra Hesai Group, hãng công nghệ cảm biến quét của Trung Quốc, cho biết: "Chuỗi cung ứng ô tô đã trở thành một mạng lưới dựa trên sự hợp tác chéo".
Chen Liming, Chủ tịch Horizon Robotics, cho biết trong kỷ nguyên xe hơi thông minh, các nhà sản xuất ô tô cần cùng nhau phát triển hệ thống với các nhà cung cấp chip và phần mềm.
Chen cho biết: "Những sự hợp tác như vậy sẽ mang lại cho các nhà sản xuất ô tô nhiều quyền tự chủ hơn, rút ngắn toàn bộ chu kỳ phát triển".
Các nhà sản xuất chip mới nổi của Trung Quốc đang cố gắng nắm bắt cơ hội để thâm nhập vào chuỗi cung ứng ô tô.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, đặc biệt là những công ty thuộc sở hữu nhà nước, có xu hướng sử dụng chất bán dẫn trong nước nhiều hơn.
Các nhà cung cấp chip ô tô nói với Caixin rằng có những hạn chế xuất khẩu của Hoa Kỳ đối với chip Trung Quốc và mối lo ngại đang gia tăng về sự phụ thuộc về công nghệ trong tương lai.
Sự thiếu hụt chip toàn cầu bắt đầu vào năm 2020 đã thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tự hình thành các sản phẩm nội địa.
Khi cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc kiểm soát chi phí sẽ là yếu tố thành công hoặc phá vỡ đối với các nhà cung cấp. Các nhà sản xuất ô tô thích các giải pháp lái xe thông minh tiết kiệm chi phí.
Ông Chen từ Horizon Robotics cho biết công ty cần sử dụng sức mạnh tính toán của phần cứng để mang lại hiệu suất cao hơn và tiết kiệm chi phí tốt hơn cho các nhà sản xuất ô tô.
Ngày nay, các nhà sản xuất ô tô thông minh có một yêu cầu đơn giản và dễ hiểu: "Chất lượng tốt, giá thấp, dễ sử dụng", theo giám đốc điều hành của một nhà cung cấp ô tô thông minh.
Các nhà cung cấp nước ngoài, vốn thống trị kỷ nguyên ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, sẽ không ngồi yên nhìn các đối tác Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường ô tô thông minh.
Các nhà cung cấp cấp 1 toàn cầu như Robert Bosch GmbH và ZF Friedrichshafen AG đang tăng gấp đôi khoản đầu tư của họ vào Trung Quốc.
Bosch cho biết hồi tháng 11 năm ngoái rằng họ sẽ đầu tư 150 triệu nhân dân tệ (21,6 triệu USD) để xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) mới cho các nền tảng lái xe thông minh.
ZF có kế hoạch đầu tư vào một nhà máy điện tử cho ô tô ở Quảng Châu, dự kiến sản xuất hàng loạt vào năm 2025. Gần đây, ZF cũng đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược với Horizon và công ty phần mềm ô tô Neusoft Reach.
Xu hướng phát triển nội bộ
Các nhà sản xuất ô tô thông minh Trung Quốc thường coi Tesla Inc., công ty dẫn đầu về hệ thống lái tự động được phát triển nội bộ, là một hình mẫu.
Các mô hình nền tảng phương tiện thế hệ đầu tiên của Trung Quốc như Nio Inc. đã sử dụng chip lái xe tự động và thuật toán nhận thức của Mobileye, công ty con của Intel (Mỹ), trong khi các hệ thống thế hệ thứ hai của Trung Quốc thì bắt đầu phát triển các hệ thống lái xe tự động trong nước.
Li Auto Inc., một công ty Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào phát triển xe tự hành vào năm 2020, cũng đã nhờ Mobileye cung cấp hệ thống hỗ trợ người lái ô tô đầu tiên của mình. Nhưng công ty này rất nhanh chóng đã chuyển sang hợp tác với Horizon và Nvidia vào năm 2021. Hệ thống hỗ trợ lái xe trong đô thị của Li Auto Inc. sẽ phủ sóng 100 thành phố Trung Quốc vào cuối năm nay.
XPeng Inc., được biết đến là một công ty gần giống Tesla nhất ở Trung Quốc, đã phát hành hệ thống tự lái X Navigation Guided Pilot vào tháng 9 năm 2022, tích hợp hệ thống các đường cao tốc và bãi đỗ xe cũng như các tình huống lái xe phức tạp trong thành phố.
"Một công ty ô tô thông minh thực sự không thể chỉ thuê ngoài hoàn toàn cho việc hình thành khung kỹ thuật số, phần mềm, phần cứng và dữ liệu cho các đối tác của mình", Chủ tịch XPeng He Xiaopeng cho biết vào ngày 16 tháng 4, trước thời điểm diễn ra triển lãm ô tô Thượng Hải.
Ông He cho biết XPeng sẽ tiếp tục với những chiếc ô tô tự phát triển, năng lực cốt lõi của mình và không thể hoàn toàn dựa vào các nhà cung cấp trong thời đại ô tô thông minh.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô truyền thống thà đợi chuỗi cung ứng được phát triển đầy đủ cho ô tô thông minh hoặc xe điện hơn là tự phát triển mọi thứ riêng cho mình, theo một nhà nghiên cứu tại một nhà sản xuất ô tô thông thường.
Người này nói: "Không có nhà lãnh đạo nào tại các công ty xe hơi truyền thống lại nói: "Chúng ta hãy tự mình chế tạo một chiếc xe hơi thông minh". Chi phí nghiên cứu và phát triển cho một mẫu ô tô mới có thể lên tới 2 tỷ nhân dân tệ. Họ không đủ khả năng để đặt cược vào điều này".
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Baidu vào tháng trước đã công bố ra mắt hệ thống lái xe thông minh, được ca ngợi là một trong những hệ thống đầu tiên của Trung Quốc có khả năng dẫn đường cho ô tô trên đường đô thị, chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức trực quan và công nghệ cảm biến dựa trên tia laser.
Chu Ruisong, Tổng giám đốc bộ phận xe thông minh của Baidu Inc., cho biết: "Toán học không phải chỉ là các phép tính cộng và cơn sốt 'tự nghiên cứu’ của ngành đang giảm dần".
Theo Zhang Lin, vị chủ tịch của nhà cung cấp xe thông minh Freetech, chi phí của các hệ thống lái tự động trong nước là quá cao đối với các loại xe dành cho thị trường đại chúng.
"Tôi tin rằng Nio sẽ phải tìm sự hợp tác của bên thứ ba khi họ sản xuất những chiếc ô tô có giá cỡ 300.000 nhân dân tệ", ông nói.
Nio đang khám phá các cơ hội hợp tác với DJI Automotive, một công ty con của nhà sản xuất máy bay không người lái SZ DJI Technology Co. Ltd. có trụ sở tại Thâm Quyến, nơi cung cấp các giải pháp tích hợp cho lái xe tự động, theo Caixin.
Các sản phẩm này có thể được sử dụng trong các mẫu xe mới của Nio vào năm 2024.
Sự trỗi dậy của chip Made in China
Chip là thứ đứng đằng sau những thay đổi về mô hình sản xuất và chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp xe hơi.
Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã nhận ra rằng họ không thể "dựa dẫm quá nhiều vào chip nước ngoài" ngay từ năm 2019 khi Mỹ trừng phạt Huawei Technologies Co. Ltd.
Một số nhà sản xuất chip Trung Quốc đang nắm bắt cơ hội để có chỗ đứng trong ngành ô tô trong bối cảnh Hoa Kỳ tung ra các lệnh trừng phạt gây ra tình trạng thiếu chip toàn cầu.
Các công ty xe hơi nhà nước là nhóm khách hàng đầu tiên của các nhà phát triển chip Trung Quốc này.
Được thành lập vào năm 2015, Horizon đã tìm thấy khách hàng đầu tiên của mình tại Công ty TNHH Tập đoàn ô tô Changan Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước vào năm 2020, sau đó bắt đầu hợp tác với SAIC Motor Corp. Ltd., Công ty TNHH Tập đoàn FAW Trung Quốc và Tập đoàn ô tô Quảng Châu, Công ty TNHH Công ty TNHH Công nghệ SemiDrive Nam Kinh để phát triển chip cho các mẫu SUV Hongqi của FAW.
Chủ tịch Nio Qin Lihong cho biết: "Vào đầu năm 2020, các nhà sản xuất ô tô chỉ biết các nhà cung cấp cấp 1 của họ, nhưng họ đã hiểu rõ hơn về các nhà cung cấp chip của mình trong hai năm qua".
Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài cũng đã chọn hợp tác nhiều hơn với các nhà phát triển chip Trung Quốc để đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng.
Hồi tháng 10, Volkswagen AG cho biết họ sẽ đầu tư 2,4 tỷ euro (2,6 tỷ USD) vào liên doanh với Horizon Robotics để đẩy nhanh quá trình phát triển các giải pháp lái xe tự động tại Trung Quốc.
Ở thị trường tầm trung đến cấp thấp, các nhà phát triển chip Trung Quốc đang cạnh tranh trực tiếp về giá với các đối thủ nước ngoài như Nvidia và Texas Instruments Inc.
Trong khi chip Drive Orin-X của Nvidia có giá hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi chiếc, chip nội địa Trung Quốc có giá thành rẻ hơn rất nhiều, theo Wang Haojun, CFO của công ty khởi nghiệp xe tự lái Pony.ai Inc.
Theo Mao Haiyan, người phụ trách bán hàng toàn cầu của Neusoft Reach tại Châu Âu và Châu Mỹ, khi hoạt động kinh doanh của các nhà phát triển chip trong nước phát triển, các nhà cung cấp phần mềm và hệ điều hành Trung Quốc cũng đang tìm kiếm cơ hội.
Horizon dẫn đầu thị trường hệ thống hỗ trợ người lái ô tô cho ô tô chở khách của Trung Quốc với 49,05% vào năm 2022, tiếp theo là Nvidia với 45,89%, theo Viện Công nghiệp Gaogong. Tiếp đến là Texas Instruments chiếm 2,69%; Mobileye chiếm 1,97%; và Huawei Heisi chiếm 0,41% thị phần.
Qualcomm gần như độc chiếm thị trường chip ô tô cao cấp, trong khi SemiDrive của Trung Quốc được ưa chuộng hơn bởi các thương hiệu ô tô tầm trung, theo Phó chủ tịch Qualcomm Chen Shujie.
Cuộc chiến về giá
Cạnh tranh trong ngành ô tô thông minh đã trở nên khốc liệt hơn so với thời điểm từ hai năm về trước, đặc biệt là về giá, một nhà phân tích ngành ô tô nói với Caixin.
Yuan Feng, Tổng giám đốc của GAC Capital, cho biết chi phí của công nghệ lái xe hỗ trợ tiên tiến đã giảm đáng, kể từ vài chục nghìn nhân dân tệ cho mỗi phương tiện xuống còn khoảng 10.000-15.000 nhân dân tệ, theo các số liệu nghiên cứu của GAC Capital Co.
Theo Liu Feilong, người sáng lập và CEO của Hongjing Drive, một nhà cung cấp hệ thống lái tự động, kiểm soát chi phí là chìa khóa để giành chiến thắng trong phân khúc ô tô giá dưới 150.000 nhân dân tệ, vốn chiếm một nửa thị trường ô tô Trung Quốc.
Liu cho biết tại triển lãm xe hơi Thượng Hải, chi phí của một giải pháp lái xe thông minh cho những mẫu xe như vậy là từ 3.000 nhân dân tệ đến 4.000 nhân dân tệ.