Một số người có thể sử dụng các tài khoản mạng xã hội ẩn danh hay giả danh để xúc phạm người khác, bắt nạt trực tuyến, tung tin giả. Trong đó, tình trạng bắt nạt trực tuyến đã gây ra những hậu quả rất đau lòng, nhất là với trẻ em.
"Sao con bé này xấu thế mà lại xuất hiện trên sân khẩu? Sao lúc nào nó cũng được thầy cô yêu quý thế? Không hề biết đối phương là ai thì mình không biết là ngoài họ ra còn những ai không yêu thích mình đang muốn công kích mình. Khoảng thời gian đó, em khóc rất nhiều, em không thể thoải mái đi học" - một nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến chia sẻ.
Liên tục bị bủa vây giữa những bình luận ác ý, miệt thị. Một trải nghiệm buồn khi trở thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến.
Không nhanh nhẹn như chúng bạn, một cậu bé thường xuyên bị đem ra làm trò trêu chọc. Và gần đây, việc này lại chuyển lên mạng xã hội bằng cách đăng ảnh, bình luận, chế giễu.
"Rất là xót con, con về bị thế hay khóc, kêu là không muốn đi học nữa, có lúc phải bảo cháu nghỉ một hai hôm ở nhà, dỗ dành rồi mới đi học" - phụ huynh của cậu bé cho biết.
Bắt nạt ảo - trầm cảm thật. Một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, học sinh bị bắt nạt qua trang mạng xã hội chiếm tỷ lệ cao nhất so với các hình thức bắt nạt trực tuyến. Các em này cũng bị trầm cảm nhiều gấp đôi so với các học sinh khác.
TS. BS. Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mai Hương - cho rằng: "Sự ẩn danh đó rất nguy hiểm. Mình không thể phát hiện ra người bắt nạt và thông tin bắt nạt thì lưu trữ lâu dài nên người bị bắt nạt không biết bao giờ mới thoát ra khỏi tình huống khó khăn đó".
Chuyên gia Văn hóa truyền thông Nguyễn Đình Thành cho biết, việc ẩn danh tạo ra xu hướng người ta ít trách nhiệm hơn, thành ra việc ẩn danh có nguy cơ đẩy người ta đến hành vi, cách hành xử ứng xử đi quá giới hạn.
Không thể chống chọi vượt qua, có em đã lựa chọn tự làm đau chính mình hay thậm chí tự tử.
Để hạn chế những hệ lụy do từ các tài khoản mạng xã hội chưa thực hiện định danh, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định số 72 năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó quy định, người sử dụng mạng xã hội sẽ phải cung cấp tên thật và số điện thoại chính chủ. Chỉ những tài khoản thực hiện định danh mới có thể đăng tải bài viết, bình luận và sử dụng tính năng phát trực tiếp.
Dự kiến nghị định mới thay thế Nghị định số 72 năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ ban hành vào cuối năm nay.