Ngày 3/6, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết mỗi ngày, tỉnh thông quan 1.000-1.200 chuyến container hàng hóa, tương đương trên 20.000 tấn hàng hóa, hiệu suất thông quan so với trước dịch đã có lúc cao hơn.
Đơn cử, với nền tảng cửa khẩu số, hàng hóa được khai báo từ trước, cửa khẩu Hữu Nghị mỗi ngày thông quan 700 xe trong khoảng 10 tiếng và làm việc tới 20h tối, trung bình 1 xe chỉ mất 45 giây. Thời gian thông quan trung bình tại cửa khẩu Tân Thanh lâu hơn, khoảng 1,5 phút do nhiều hàng hóa không chính ngạch, mất nhiều thủ tục hơn.
Theo ông Thiệu, việc ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu Lạng Sơn hiện nay chủ yếu do lượng hàng hóa rất lớn tập trung trong thời gian ngắn, trong đó hoa quả mùa vụ chiếm tới 85%. Ông đề nghị các biện pháp đồng bộ như các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hoa quả trong nội địa; các doanh nghiệp cân nhắc, lựa chọn cửa khẩu phù hợp, tránh dồn về một địa điểm.
Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục cải cách các thủ tục kiểm tra chuyên ngành như kiểm dịch; trao đổi với phía Trung Quốc để đẩy tốc độ thông quan hơn nữa và mở thêm một số cửa khẩu đã đóng trong đại dịch.
Trước đó, Thủ tướng cũng đã có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên và các bộ, ngành có liên quan chủ động tổ chức các hoạt động ngoại giao tương ứng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của nước bạn để tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục, tăng thời gian nhiều hơn nữa cho thông quan và hiệu suất thông quan, không để tái diễn tình trạng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu trong điều kiện nắng nóng dễ bị hư hỏng.
Các tỉnh có cửa khẩu tại khu vực biên giới phía Bắc chủ động theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình lưu thông; có biện pháp điều tiết, quản lý phương tiện đưa hàng lên cửa khẩu biên giới, xử lý các điểm ùn ứ nông sản xuất khẩu, hỗ trợ, giải quyết kịp thời các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa.
Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh phân phối để thúc đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ các loại nông sản đang trong thời vụ thu hoạch tại thị trường trong nước.