Rớt giá vẫn ế
Ngày 31/5, tại nhiều chợ ở TPHCM, các loại trái cây như măng cụt, sầu riêng… chiếm phần lớn tại các quầy hàng. Tuy nhiên giá lại rẻ bất ngờ dù mới vào đầu vụ. Như măng cụt chỉ có giá từ 35.000-45.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán chỉ 25.000 đồng/kg (giá rẻ hơn phân nửa so với năm ngoái); sầu riêng có giá trung bình chỉ 50.000 -60.000 đồng/kg...
“Bình thường, măng cụt đầu mùa có giá khoảng 60.000-70.000 đồng/kg nhưng giờ thu mua tại vườn chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Hiện đang vào mùa măng cụt nên hàng về nhiều, có lẽ giá sẽ còn giảm trong vài ngày tới” - chị Thanh, bán trái cây trên đường Nhiêu Tâm (quận 5), cho hay.
Các loại trái cây khác như cam, dưa hấu, xoài… giá cũng chỉ từ 10.000 - 25.000 đồng/kg. Giá xoài cát Hòa Lộc chỉ còn 25.000 đồng/kg, xoài keo 10.000 đồng/kg; cam sành loại to, chín mọng nước giá 10.000 đồng/kg, dưa hấu 9.000 đồng/kg...
Giá vải nếp Đắk Lắk (chưa có vải thiều Bắc Giang) năm nay cũng giảm bất thường, dao động từ 50.000 đồng/kg (giảm khoảng 30.000 đồng/kg) so với tuần trước dù mặt hàng chưa về nhiều ở TPHCM. Theo các tiểu thương, dù giá trái cây rất rẻ nhưng sức mua không cao như kỳ vọng.
Ông Hà Quang Đạo - Chủ nhiệm HTX Xoài Đắk Gằn (tỉnh Đắk Nông) cho biết, địa phương có tổng diện tích hơn 800 ha trồng xoài các loại. Trong đó, xoài Đài Loan đỏ, Đài Loan xanh, xoài Úc, xoài Thái, xoài ba mùa... đang rộ mùa và chủ yếu tiêu thụ nội địa, chứ không xuất khẩu nhiều.
Năm nay, do thời tiết không thuận lợi, sản lượng xoài giảm khoảng 30% so với năm ngoái. Sản lượng giảm nhưng giá xoài thấp hơn mọi năm. Một số loại xoài bán tại vườn chỉ 4.000 - 6.000 đồng/kg.
Trong khi đó, trái cây ngoại đang tràn ngập các chợ, siêu thị, cửa hàng trái cây ở TPHCM. Tại một hệ thống siêu thị lớn trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), các loại táo đỏ Pháp có giá chỉ 35.900 đồng/kg, cam Úc 39.900 đồng/kg… “Mua 2 kg trái cây ngoại có giá chưa tới 100.000 đồng. Mức giá này còn rẻ hơn nhiều loại trái cây trong nước, mà lại ngon và lạ miệng” - chị Thu Hồng (ngụ quận 3) nhận xét.
Nâng tầm nông sản: Cách nào?
Trao đổi với PV Báo Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (G.C Food) nhìn nhận, Việt Nam có nhiều lợi thế về cây trái nhưng đang thua ngay trên sân nhà. “Hiện, chúng ta chỉ chú trọng thị trường nước ngoài, đáp ứng yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu mà bỏ qua nhu cầu từ thị trường trong nước. Chính tư duy sản xuất nông nghiệp này làm giảm sức cạnh tranh của trái cây nội” - ông Thứ nhận định.
GS.TS Võ Tòng Xuân – chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để nâng tầm nông sản, trước hết cần tính toán xem từng địa phương có sản phẩm nào nổi bật nhất. Ở cấp quốc gia cũng cần xác định giống nào, mô hình sản xuất nào cho từng tỉnh. Tiếp theo, cần khắc phục tình trạng nông dân sản xuất riêng lẻ, không theo quy trình khoa học đã hướng dẫn; cải thiện chất lượng thu hoạch và xử lý sau quy hoạch... Ngoài ra, trái cây Việt cần cải thiện hoạt động tiếp thị, quảng bá để khách hàng khi cần dễ dàng biết được ở Việt Nam, địa phương nào có sản phẩm gì, xuất đi đâu...
Theo ông Thứ, hầu hết sản phẩm nhập khẩu đang chọn bán ở kênh siêu thị, là những nơi người tiêu dùng quan tâm về vấn đề an toàn, sức khỏe nên bán được giá khá cao. Trong khi đó, trái cây Việt lại bán tại các kênh chợ đầu mối, hạ thấp giá bán nên không có tiền để đầu tư mẫu mã, bao bì...
Theo ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, văn hóa tiêu dùng mới là yếu tố quan trọng; người bản địa nên ưu tiên sử dụng sản phẩm bản địa, tránh tư tưởng vọng ngoại… “Người nước ngoài rất mê trái cây và nông sản Việt, trong khi người Việt lại ít quý hàng trong nước” - ông Viên nói.
Bà Trương Thị Hồng Hà - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Khánh Hà (chuyên sản xuất bún, phở khô) cho rằng, để nâng tầm giá trị nông sản , cần phải tạo ra diện mạo mới, thay vì chỉ bán tươi. Doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch để chế biến nông sản thành nước uống, sấy khô hoặc tạo ra những món mới, có thời gian bảo quản lâu hơn.
“Gần một năm nay, chúng tôi đã chế biến thanh long để làm bún, phở, spaghetti… xuất khẩu. Chúng tôi liên kết với nông dân Bình Thuận bao tiêu đầu ra cho thanh long, trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 180 tấn” - bà Hà chia sẻ.
Để trái cây Việt khẳng định vị thế, ông Thứ cho rằng, dù phục vụ thị trường nào cũng đều phải chăm chút để có sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Ngoài chất lượng, cần đầu tư về bao bì, nhãn mác. Công nghệ sau thu hoạch cũng cần phải được quan tâm.
“Trái cây nhập được đóng gói đẹp mắt, bảo quản lạnh, đầy đủ nhãn mác nhưng trái cây nội thì chưa làm được. Cùng với công nghệ bảo quản thì chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm cũng cần phải được đầu tư” - ông Thứ nói.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Nhà nước cần quy hoạch lại vùng trồng. Nông dân không nên canh tác quá ồ ạt để tránh tình trạng cung vượt cầu. Hàng Việt sẽ có chỗ đứng nếu tận dụng các ưu thế riêng mà không phải thị trường nào cũng có được. Chẳng hạn nông dân nên tăng sản xuất hàng trái vụ, thời điểm mà các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc không thể thực hiện.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, hàng hóa xuất khẩu nói chung và nông sản nói riêng có nhiều lợi thế khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn.
Tuy nhiên, việc tận dụng các lợi thế do các FTA mang lại còn hạn chế. Để nâng cao hiệu quả, một trong những giải pháp quan trọng là các DN xuất khẩu nên tăng cường kết nối, hợp tác với các đối tác xuất khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu về mặt kỹ thuật của thị trường xuất khẩu.