Tối 28-5, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam phối hợp với Hội đồng Đội Trung ương tổ chức lễ bàn giao 2 nhà vệ sinh công cộng cho UBND quận 1, TP HCM nhằm đưa vào khai thác, phục vụ người dân.
Hai nhà vệ sinh này nằm tại địa chỉ số 8 Nguyễn Trung Trực và số 135 Nguyễn Huệ (Thương xá Tax), quận 1.
Nhà vệ sinh công cộng tại số 135 Nguyễn Huệ
Theo ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, chi phí đầu tư mỗi nhà vệ sinh công cộng là 635 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa.
Đây là 2 nhà vệ sinh thông minh, đạt chuẩn quốc tế ASEAN, gồm một buồng vệ sinh dùng chung và ki-ốt quản lý đặt tại mặt tiền. Nhà vệ sinh sẽ phục vụ hoàn toàn miễn phí cho người dân.
Bên trong nhà vệ sinh công cộng
Khu vực lấy giấy lau
2 nhà vệ sinh công cộng này có nhiều tính năng nổi bật như: quản lý, báo cáo sự cố từ xa thông qua mạng internet; thông gió, hút mùi, quạt tự động; khử khuẩn tự động bằng tia UV và hong sấy. Tất cả nút nhấn sử dụng đều không chạm; hướng dẫn sử dụng, cảnh báo bằng giọng nói, thân thiện với người sử dụng.
Các thao tác đều sử dụng cảm biến tự động hoặc bàn đạp chân, tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn
Khi có người đang sử dụng nhà vệ sinh, bên ngoài hiển thị dòng chữ "Đang sử dụng"
Ông Lê Văn Hiệp cho biết nhà vệ sinh sử dụng nguồn điện 24VDC và RCBO chống giật, tuyệt đối an toàn đối với người sử dụng. Nguồn điện luôn được đảm bảo kể cả khi mất điện nhờ hệ thống acquy. Thời gian sử dụng acquy tối đa là 8 giờ.
Đại biểu sử dụng thử nhà vệ sinh
Các lãnh đạo Trung ương Đoàn tham quan nhà vệ sinh công cộng
"Tất cả những loại rác gây tắc nghẽn bồn cầu mà lâu nay chúng ta thường vướng phải nơi công cộng như giẻ, băng vệ sinh, giấy... sẽ được máy nghiền nát thành bọt nước hay cặn bùn trước khi đưa ra ngoài hệ thống xử lý tập trung. Hệ thống tự hoại này là giải pháp rất tốt, giảm thiểu tình trạng tắc nghẹt bồn cầu trong quá trình sử dụng, không cần phải đào hầm tự hoại, tiết kiệm mặt bằng" - ông Lê Văn Hiệp giải thích.
Nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí
Bố trí 2 camera bên ngoài nhà vệ sinh để người đang sử dụng bên trong có thể quan sát
Theo ông Lê Văn Hiệp, mô hình này sẽ được nhân rộng trên toàn TP HCM. Theo tính toán của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, TP HCM cần khoảng 1.000 nhà vệ sinh công cộng.
Trong năm 2023, hiệp hội này sẽ cùng các đơn vị thực hiện xã hội hóa xây dựng 200 nhà vệ sinh công cộng tương tự, đến năm 2025 sẽ xây xong khoảng 500 nhà vệ sinh công cộng.