Dứa là một loại trái cây nhiệt đới được biết đến với hình dạng đặc trưng của nó - một quả cầu có thịt ngọt và mọng nước được bao quanh bởi lớp vỏ cứng, có nhiều múi, với một chùm lá xanh có gai ở trên. Quả thực chất là một tập hợp các bông hoa, mỗi bông có mắt riêng hợp nhất quanh lõi trung tâm, theo BBC Good Food.
Trên thực tế, nó đã được sử dụng trong y học dân gian từ thời cổ đại, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 9/2016 trên Biomedical Reports. Cho đến nay, khoa học đã chứng minh được nhiều lợi ích sức khỏe của dứa mang lại cho cơ thể con người, dưới đây là một vài trong số chúng:
1. Dứa là loại trái cây giàu vitamin C
Jackie Newgent, chuyên gia dinh dưỡng ẩm thực tại New York (Hoa Kỳ) cho biết: "Chất dinh dưỡng nổi bật trong dứa là vitamin C, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và mang lại lợi ích chống oxy hóa".
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một cốc dứa chứa 78,9 miligam (mg) vitamin C. Đó là nhiều hơn chế độ ăn uống được khuyến nghị cho phụ nữ trưởng thành (75 mg mỗi ngày) và gần với khuyến nghị cho nam giới (90 mg mỗi ngày), theo MedlinePlus. Vitamin C rất quan trọng vì nó khuyến khích sự phát triển và chữa lành khắp cơ thể và đóng một vai trò trong mọi thứ, từ sửa chữa vết thương đến hấp thụ sắt.
2. Ăn dứa có thể tăng cường giảm cân
Một nghiên cứu trên động vật được công bố vào tháng 4/2018 trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm và Công nghệ sinh học (Hoa Kỳ) đã phát hiện ra rằng nước ép dứa có thể giúp giảm sự hình thành chất béo và tăng quá trình phân hủy chất béo.
Andrews nói: "Ngay cả khi nó không có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình trao đổi chất của bạn, thì đó vẫn là một lựa chọn ăn nhẹ tốt vì nó (và các loại trái cây khác) chứa ít calo, nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng, đồng thời không chứa chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa. Không có loại trái cây hoặc rau quả cụ thể nào trực tiếp giúp giảm cân, nhưng chúng sẽ giúp bạn no lâu mà không nạp nhiều calo. Vì vậy, mọi người có xu hướng ăn ít calo hơn nếu họ tiêu thụ vài cốc trái cây và rau quả mỗi ngày như một phần của chế độ ăn uống cân bằng".
Bạn cũng có thể thấy rằng trái cây thỏa mãn sở thích hảo ngọt của mình. Chuyên gia dinh dưỡng Colleen Christensen cho biết: "Dứa chứa ít calo hơn so với các món ngọt khác, vì vậy nếu bạn thưởng thức một khẩu phần dứa thay vì một cây kem ốc quế cho món tráng miệng hàng đêm của mình, bạn có thể tiêu thụ ít calo hơn và do đó, giảm cân là điều hiển nhiên".
Theo Mayo Clinic, dứa cũng cung cấp một số chất xơ (2,3 gam trong 1 cốc, theo USDA), có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn và giúp bạn ăn ít hơn vì nó giúp bạn cảm thấy no.
3. Ăn dứa có thể hỗ trợ tiêu hóa của bạn
Theo NCCIH, dứa có chứa bromelain, là hỗn hợp các enzyme mà các nghiên cứu cho thấy có thể làm giảm viêm và sưng, đồng thời hỗ trợ chữa lành vết thương và vết bỏng. Nó cũng có liên quan đến việc giúp cải thiện tiêu hóa và trong lịch sử đã được sử dụng ở các nước Trung và Nam Mỹ để điều trị rối loạn tiêu hóa.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Công nghệ Sinh học Quốc tế cho thấy chất bromelain trong dứa có thể giúp giảm tác dụng của bệnh tiêu chảy.
4. Mangan trong dứa giúp xương chắc khỏe
Theo Trung tâm Y tế Đại học Rochester (Hoa Kỳ), cùng với canxi, khoáng chất vi lượng mangan rất cần thiết để duy trì xương chắc khỏe. Theo Đại học Bang Oregon, dứa là một trong những nguồn thực phẩm cung cấp khoáng chất hàng đầu - một cốc dứa chứa khoảng 76% giá trị mangan được khuyến nghị hàng ngày. Mangan có thể giúp ngăn ngừa loãng xương và giúp cải thiện mật độ xương và khoáng chất tổng thể.
Tuy nhiên, hãy cẩn thận đừng lạm dụng nó - lượng mangan có thể nguy hiểm và có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhận thức nếu bạn tiêu thụ hơn 11 mg mỗi ngày, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí The Open Orthopedics. Nhưng đừng lo lắng sẽ rất khó để đạt được những mức đó vì 1/2 chén dứa có ít hơn 1 mg mangan, Andrew nói.
5. Dứa chứa nhiều chất chống oxy hóa chống lại bệnh tật
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 6/2014 trên Tạp chí Molecules, dứa là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời, cụ thể là phenolics, flavonoid và vitamin C. "Chất chống oxy hóa là những hợp chất trong thực phẩm có thể giúp chống viêm và các gốc tự do trong cơ thể", Knott nói.
Theo NCCIH, các gốc tự do là các phân tử có thể gây tổn thương tế bào và dẫn đến các vấn đề về sức khỏe, bao gồm bệnh tim, tiểu đường loại 2, bệnh Alzheimer và các vấn đề về mắt. Bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như dứa có thể đóng một vai trò trong việc chống lại những rủi ro đó.
6. Nhờ chứa chất chống oxy hóa, dứa có đặc tính chống ung thư
Theo Mayo Clinic, ung thư xảy ra khi các tế bào bất thường trong cơ thể nhân lên và chiếm lấy các mô khỏe mạnh. Mặc dù không có cách nào đảm bảo để ngăn ngừa ung thư, nhưng các chuyên gia khuyên bạn nên áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh - lý tưởng nhất là chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa, mà bạn có thể cung cấp từ dứa, để giúp chống lại các gốc tự do - để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 11/2018 trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy chế độ ăn uống và nồng độ chất chống oxy hóa trong máu cao có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư.
7. Dứa phù hợp với chế độ ăn kiêng chống viêm
Theo Harvard Health Publishing, tình trạng viêm quá nhiều có thể dẫn đến nhiều bệnh, bao gồm bệnh động mạch vành, tiểu đường, ung thư và bệnh Alzheimer. Rất may, một chế độ ăn giàu thực phẩm chống viêm, chẳng hạn như dứa, có thể giúp giảm lượng viêm trong cơ thể.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 9/2016 trên Tạp chí Biomedical Reports, hàm lượng bromelain trong dứa là lý do tạo nên đặc tính chống viêm của nó.
8. Thành phần dinh dưỡng của dứa giúp tăng cường khả năng miễn dịch
Bạn có thể muốn ăn dứa vào lần tới khi đang "chiến đấu" với cảm lạnh. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 trên Tạp chí Dinh dưỡng và Trao đổi chất cho thấy trẻ em ăn dứa đóng hộp ít bị nhiễm vi-rút và vi khuẩn hơn so với những trẻ không ăn dứa trong thời gian nghiên cứu kéo dài 9 tuần. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng ăn một đến hai hộp (140 đến 280 gam) dứa mỗi ngày có thể làm giảm khả năng nhiễm trùng hoặc ít nhất là rút ngắn thời gian nhiễm trùng.
Nguồn và ảnh: Everyday Health, Healthline, Pinterest