Sự thật về đề thi Ngữ văn ngôn từ phản cảm tại một trường ở Hà Nội

Vừa qua, mạng xã hội lan truyền đề thi thử môn Ngữ văn vào lớp 10 có sử dụng ngôn từ phản cảm được cho là của một trường THCS - THPT tại Hà Nội.

Theo hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội, tại phần II đề thi thử môn Ngữ văn vào lớp 10 của trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) sử dụng một đoạn ngữ liệu thuộc văn bản Câu chuyện về con đường của tác giả Đoàn Công Lê Huy, in trong Ngữ văn 7 tập 2, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục).

Điều đáng nói là văn bản trong đề thi so với văn bản trong SGK Ngữ văn 7 nói trên có sự khác biệt. Một câu văn đã được đưa thêm vào được cho là phản cảm, nội dung dung tục không phù hợp với lứa tuổi học sinh.

de thi nhay cam anh 1

Câu từ được cho là phản cảm xuất hiện trong đề thi thử lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: VietNamnet.

Chiều 22/5, trao đổi với VietNamNet, bà Văn Liên Na - Phó hiệu trưởng trường THCS - THPT Lương Thế Vinh - khẳng định: "Đề Văn được lan truyền trên mạng xã hội bị cho là phản cảm không phải đề thi của trường THCS -THPT Lương Thế Vinh trong buổi thi thử môn Ngữ văn vào lớp 10 ngày 21/5 vừa qua".

Chia sẻ cụ thể hơn, bà Văn Liên Na cho biết đề thi của trường THCS -THPT Lương Thế Vinh cũng lấy ngữ liệu thuộc văn bản Câu chuyện về con đường của tác giả Đoàn Công Lê Huy nhưng là đoạn ngữ liệu in trong Ngữ văn 7 không có câu từ phản cảm như trên.

“Nội dung đề thi lan truyền trên mạng khác với đề thi thật của nhà trường không chỉ ở phần II nghị luận xã hội mà ngay cả câu số 3 trích đoạn thơ trong phần I cũng không giống đề thi của trường. Tôi cũng không hiểu lý do nào mà một số người lại lấy ngữ liệu sai rồi gán thành đề thi của nhà trường”, bà Liên Na cho hay.

Cũng theo vị phó hiệu trưởng này, sau khi học sinh làm bài thi, bản nháp và đề thi đều bị giám thị thu lại nên không có chuyện phát tán ra ngoài. Quy trình ra đề thi của trường Lương Thế Vinh cũng là quy trình khép kín, nội dung đề thi cũng được xem xét dưới góc độ câu từ có phù hợp với học sinh hay không.

“Thông thường, mỗi đề thi, nhà trường cử hai giáo viên. Các thầy cô này sẽ bị 'nhốt' trong quá trình ra đề để đảm bảo đề thi không lộ ra ngoài. Thầy cô không được dùng điện thoại di động. Sau khi học sinh thi xong, giáo viên ra đề mới được ra ngoài”, bà Văn Liên Na nói.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/su-that-ve-de-thi-ngu-van-ngon-tu-phan-cam-tai-mot-truong-o-ha-noi-a44102.html