Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Kỹ thuật hàng không

(Chinhphu.vn) - Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, sự hồi phục và phát triển của ngành hàng không đã có nhiều tín hiệu rõ nét, kèm theo đó là sự tăng trưởng trong nhu cầu nhân lực ngành hàng không nói chung và kỹ thuật hàng không nói riêng.

Tại Hội thảo "Đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật Hàng không tại Việt Nam" do Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, trực thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) tổ chức vào ngày 23/5, các doanh nghiệp hàng không, chuyên gia và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực hàng không đã khẳng định rằng, thị trường hàng không đang dần phục hồi và Việt Nam cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát huy hết tiềm năng của ngành.

Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 50 năm hợp tác Việt Nam - Pháp do Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam tổ chức từ tháng 5 đến tháng 12/2023.

"Nhu cầu nhân lực rất nhiều nhưng đó phải là nguồn nhân lực chất lượng cao", ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, hiện nay, thị trường hàng không nội địa vượt khoảng 18% so với năm 2019, thị trường quốc tế đang phục hồi dự báo cuối năm nay sẽ bằng năm 2019. Khi ngành hàng không thương mại phục hồi sau đại dịch và có kế hoạch phát triển dài hạn, dự đoán nhu cầu nhân viên hàng không sẽ ngày càng tăng, cũng như nhu cầu liên tục về đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết, đối với thị trường Đông Nam Á trong vòng 20 năm tới cần bổ sung khoảng 60.000 nhân viên kỹ thuật hàng không bởi số lượng máy bay tăng gần như gấp đôi, do đó nhu cầu về bảo dưỡng tàu bay là rất lớn. Đối với thị trường Việt Nam, các hãng hàng không đều có kế hoạch mở rộng kinh doanh và đang tìm kiếm bổ sung nhân lực tại các cơ sở bảo dưỡng, trong đó Vietnam Airlines dự kiến tuyển dụng lên tới hàng trăm kỹ sư mỗi năm.

"Chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho cơ sở bảo dưỡng ở sân bay Long Thành, do đó sẽ tuyển thêm nhiều nhân viên kỹ thuật hàng không", ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Long Thành dành 16 hecta để xây dựng Hangar bảo dưỡng tàu bay (mỗi Hangar với diện tích khoảng 1 hecta). Giai đoạn 1 đến năm 2025 là 4 hecta (xây 4 hangar bảo dưỡng tàu bay thân rộng code F). Mỗi Hangar bảo dưỡng máy bay thân lớn này cần phải có ít nhất 300 nhân viên kỹ thuạt bảo dưỡng tàu bay (AMT). Điều đó đòi hỏi lực lượng lao động chất lượng cao phải luôn trong tư thế sẵn sàng như một ưu thế cạnh tranh chủ lực của các hãng bay.

Ông Tạ Minh Trọng, Trưởng phòng An toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, kế hoạch phát triển đội tàu bay rất mạnh. Tuy nhiên năng lực bảo dưỡng tàu bay, động cơ, thiết bị máy bay hiện nay tại Việt Nam còn ở mức hạn chế.

Hiện nay, với cơ sở hạ tầng hiện có, tại Việt Nam chỉ có duy nhất Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO – thuộc Vietnam Airlines) là có thể có năng lực bảo dưỡng tàu bay (Airframe) ở mức không hạn chế cho các loại máy bay A350, B787, A320/A321, ATR72... 

Các hãng hàng không khác hiện nay phần lớn mang tàu bay đi nước ngoài bảo dưỡng (do năng lực bảo dưỡng của VAECO đã chạm ngưỡng về cơ sở hạ tầng). Các nội dung bảo dưỡng, sửa chữa đang phải phụ thuộc toàn bộ vào các tổ chức bảo dưỡng nước ngoài.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho cơ sở đào tạo theo đúng tiêu chuẩn của ICAO tương đối lớn. Hiện nay, chương trình đào tạo cho các nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay (AMT), nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không (ARS) của Việt Nam mới đang tiệm cận được các tiêu chuẩn của ICAO. Công tác huấn luyện đào tạo đang được thực hiện trên các máy bay đang khai thác do đó rất khó để thực hiện huấn luyện các kỹ năng phức tạp.

Ngoài ra, chưa có chính sách đãi ngộ (cho thuê đất với chi phí thấp hoặc miễn tiền thuê, có chính sách trợ giá đối với mỗi nhân viên hàng không được đào tạo…) đối với chiến lược phát triển nguồn nhân lực hàng không nói chung và ngành kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay nói riêng.

Đây là những cơ hội nhưng cũng là thách thức cho việc phát triển nguồn lực nhân viên hàng không nói chung, kỹ thuật hàng không nói riêng.

Tại Việt Nam, mới có một số ít các trường đại học đào tạo, cung cấp nhân lực cho ngành kỹ thuật hàng không như Đại học Bách Khoa, Trường USTH...

GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính trường USTH cho biết, các cơ sở đào tạo cần cập nhật về nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật hàng không tại Việt Nam trong bối cảnh mới; đồng thời phải có sự kết nối sinh viên, giảng viên, các cơ sở đào tạo về hàng không với các doanh nghiệp về mặt đào tạo, thực tập và cơ hội việc làm trong lĩnh vực này.

Đối với công tác sửa chữa, bảo dưỡng máy bay - lĩnh vực đặc thù làm việc trong môi trường kỷ luật cao, đòi hỏi vô cùng khắt khe về tính kỷ luật, trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ để bảo đảm an toàn tuyệt đối, chất lượng nguồn nhân lực đóng một vai trò quyết định. Việc đào tạo nên một kỹ sư hàng không là cả quá trình gian nan.

Do đó, trường đã bắt đầu triển khai chương trình đào tạo ngành kỹ thuật hàng không với hai chuyên ngành bảo dưỡng và vận hành bay từ năm 2018, với sự hỗ trợ và hợp tác từ các đối tác lớn như tập đoàn Airbus, Viện Hàng không vũ trụ Pháp (IAS/Bricks), Trường Hàng không dân dụng Pháp (ENAC), Vietnam Airlines, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Máy bay (VAECO).

Chương trình đào tạo được xây dựng theo chuẩn quốc tế với ngôn ngữ học tập bằng tiếng Anh. Sinh viên được học lý thuyết kết hợp chặt chẽ với thực hành tại phòng thí nghiệm Hàng không hiện đại và thực hành chuyên nghiệp tại VAECO.

Hoàng Giang


Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-nganh-ky-thuat-hang-khong-a44064.html