Những biểu hiện này đã vi phạm các quy định theo nghị quyết của Đảng, trước hết là Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; vi phạm các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Ảnh: Trần Thường
Bà Phạm Thị Thanh Trà đề nghị cần có thái độ rất rõ ràng trước những biểu hiện trên.
"Chúng ta không thể bênh vực, che chở cho các biểu hiện trên. Trong bối cảnh hiện nay, đất nước đang rất khó khăn, tình trạng như vậy làm cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Thời gian qua, Thủ tướng và Chính phủ đã có rất nhiều chỉ thị như Chỉ thị 26, 27 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước... Tiếp đó, đã có các Công điện 280, 365, 436 để tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong hệ thống hành chính nhà nước.
Bộ Nội vụ đã tham mưu giải quyết vấn đề này với 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp.
Trong đó, nhóm về tư tưởng, nhận thức là giải pháp hàng đầu. Cần đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng về tinh thần, việc thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, pháp luật liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm, nhiệm vụ mà công chức phải thực hiện.
Thực hiện nghiêm các nghị định, quy định của Chính phủ về trách nhiệm đối với công chức. Phải xóa bỏ nhận thức "không làm thì không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa". Đây là nhận thức rất nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn cho việc thực hiện công vụ, chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
Cùng với đó, phải xây dựng và hoàn thiện thể chế, khắc phục những mặt còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền.
"Rà soát, bãi bỏ những quy định hoặc có thói quen xin ý kiến, thỏa thuận về xin chủ trương, thống nhất trước khi cơ quan tổ chức, chính quyền địa phương thực hiện quyền hạn đã được quy định trong pháp luật và đã được cấp trên phân cấp, ủy quyền"- Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Đồng thời, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ để ban hành nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tới đây có nghị quyết của Quốc hội về thí điểm khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Sau đó Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định cụ thể.
"Như vậy mới đầy đủ cơ sở hành lang pháp lý bảo vệ được cán bộ. Hiện nay nhiều quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật viên chức, luật liên quan đến dân sự hay luật liên quan đến an ninh đều vướng. Nếu không có nghị quyết của Quốc hội thì không thể xé rào, vượt rào được"- bà Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ.
Bộ Nội vụ cũng đang nghiên cứu để sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, đưa nội dung "khuyến khích, bảo vệ cán bộ" vào luật này. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, theo người đầu đầu Bộ Nội vụ, cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. "Thực tế, các cơ quan từ trung ương đến địa phương ở đâu có người đứng đầu dám làm, dám chịu trách nhiệm thì ở nơi đó vẫn phát triển. Ví dụ, đầu tư công ở một số địa phương làm rất tốt"- Bộ trưởng nói.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/can-bo-ne-tranh-dun-day-so-sai-la-bieu-hien-suy-thoai-ve-tu-tuong-chinh-tri-a43992.html