Nhiều người trẻ thà thất nghiệp còn hơn làm việc với mức lương thấp trong các công ty vừa và nhỏ. Ảnh: Variety. |
Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, gần 500.000 thanh niên từ 15-29 tuổi ở quốc gia này đã từ bỏ tìm việc. Số người chọn thất nghiệp và ngừng nỗ lực tham gia thị trường lao động tăng lên 497.000 vào tháng 2/2023.
Đây là con số lớn nhất từ khi báo cáo liên quan lần đầu tiên được tổng hợp trong tháng 1/2003.
Tệ hơn nữa, phạm vi việc làm của người trẻ đã tụt dốc trong 4 tháng liên tiếp và mức giảm gần đây là cao nhất kể từ tháng 2/2021.
Tình hình hiện tại nhìn chung không mấy khả quan, theo Korea Herald đánh giá.
Điều đáng lo ngại hơn là số lượng công việc ở hai nhóm nhân khẩu học chính - những người từ 15 đến 29 tuổi và công dân ở độ tuổi 40, đã giảm trong 8 tháng liên tiếp.
Xu hướng thanh niên buông xuôi, ngừng cố gắng trong bối cảnh thị trường lao động bất ổn có thể cho thấy một tương lai u ám ở xứ sở kim chi. Đây không phải là thời điểm tuyệt vời dành cho giới trẻ có nhu cầu xin việc.
Một cuộc khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc đã chỉ ra rằng 45% trong số 500 công ty lớn nhất về bán hàng có kế hoạch tuyển dụng nhân viên mới vào nghề trong nửa đầu năm nay.
Ngược lại với những người trẻ, số lượng nhân viên từ 60 tuổi trở lên đã tăng hơn gấp đôi trong 10 năm qua.
Số lượng thanh niên Hàn Quốc từ bỏ tìm kiếm việc làm đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại. Ảnh: Korea Times. |
Tháng trước, việc làm dành cho nhóm tuổi này là 5,77 triệu, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Vào tháng 2/2013, 2,73 triệu người trong cùng độ tuổi đã được tuyển dụng.
Với xã hội đang già đi nhanh chóng trong khi tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, số người cao tuổi tham gia lực lượng lao động ngày càng tăng. Nhưng cứ 4 người thì có 1 người đang làm những công việc được trả lương thấp hoặc ký hợp đồng ngắn hạn.
Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy tình trạng nghèo đói ở nhóm này đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Giải pháp cuối cùng cho vấn đề thất nghiệp nằm ở yếu tố các công ty tạo ra việc làm tử tế, cho dù là người già hay giới trẻ.
Tất nhiên, đó là một cách lâu dài sẽ mất một thời gian để đạt được thành công. Ngoài ra, có những cách tiếp cận khác mà chính phủ Hàn Quốc có thể thực hiện trong giai đoạn ngắn.
Chẳng hạn, tạo ra các chương trình việc làm công dành cho người cao tuổi sống tằn tiện, chỉ vừa đủ tiền trang trải cuộc sống hoặc không thể tìm được công việc thay thế.
Những sáng kiến như vậy thường đi kèm với các định kiến xấu, ví dụ nhiều cá nhân cho rằng chúng lãng phí tiền thuế của người dân.
Vì vậy, các nhà chức trách nước này cần thúc đẩy ý tưởng mới và chứng minh rằng nó làm tăng thêm giá trị cho toàn xã hội.
Thất nghiệp của nhóm thanh niên cũng là một vấn đề nan giải không kém. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến điều này là do sự không phù hợp giữa các loại công việc mà công ty đang giới thiệu và điều kiện về trình độ, nhu cầu của người lao động.
Khoảng cách tiền lương là một phần nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở xứ củ sâm. Ảnh: New York Times. |
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt về tiền lương cũng khiến người trẻ nản lòng.
Nhiều trường hợp thà thất nghiệp còn hơn làm việc với thu nhập thấp trong các công ty vừa và nhỏ.
Hành vi của họ ở một mức độ nào đó có thể hiểu được, xét đến khoảng cách lương thưởng đáng kể và khó khăn trong khi thay đổi công việc.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/noi-gioi-tre-nghi-ngoi-nguoi-gia-di-lam-a43854.html