Nhiều nhân viên tại các công ty công nghệ lớn được cho là "giả vờ làm việc" nhưng vẫn nhận lương cao. Ảnh minh họa: Reuters. |
"Fake work" là khái niệm mô tả các nhân viên công nghệ được trả lương cao gấp đôi, dù họ chỉ tới văn phòng và nghỉ ngơi, chờ đợi "quyền lựa chọn cổ phiếu" (stock options: thường được trao cho những nhân viên lâu năm để khuyến khích họ ở lại làm việc) để kiếm một khoản tài sản trước khi rời công ty.
Đầu tháng 3, Kendall Smith, TikToker có tài khoản @roilysm, đã chia sẻ câu chuyện của Keith Rabois, một thành viên tại Paypal Mafia. Rabois nói rằng các nhân viên tại Meta (công ty mẹ của Facebook) và Google đang "giả vờ làm việc" (fake work).
"Tôi xác nhận hoàn toàn về tính thực tế của vấn nạn này. Khi còn làm việc tại Facebook, tôi nhiều lần chứng kiến nhiều cuộc tranh cãi giữa các nhân viên liên quan đến vấn đề này", Smith nhấn mạnh.
Smith cho biết đã làm việc tại Facebook với tư cách là quản lý marketing từ năm 2018 đến năm 2022.
Tranh cãi về "giả vờ làm việc"
Sau khi lan truyền, video của Smith nhanh chóng thu hút 430.000 lượt xem, nhiều người tự xưng là cựu nhân viên tại Meta hay Google cũng xác nhận về điều này.
Một cựu nhân viên khác là Maddie Macho nói rằng khi còn làm việc ở Meta với vị trí nhà tuyển dụng, cô vẫn được trả 190.000 USD để "chẳng làm gì".
"Không làm gì" và nhận lương đang là thực trạng của một số nhân viên. Ảnh: Insider |
Tuy nhiên, Tony Aubé, người làm việc cho Google từ năm 2019 đến 2020, với tư cách nhà thiết kế sản phẩm cao cấp, nói với Insider rằng anh chưa bao giờ thấy bất kỳ ai ở công ty "không làm gì hay giả vờ làm việc".
Trước đó, anh có thời gian làm cho các doanh nghiệp nhỏ hơn để tích lũy kinh nghiệm thực tế, sau đó mới vào đội ở Google.
"Tôi nghĩ đây sẽ là công việc chính của mình, và đã nỗ lực thực hiện nó một cách năng suất và chăm chỉ nhất. Tuy nhiên, mọi thứ lại đi ngược lại với suy đoán của tôi", Aubé nói thêm.
Trong video của mình, anh cho biết mình được giao công việc với deadline là 2 tuần, nhưng anh chỉ mất vài ngày để thực hiện xong dự án.
"Quản lý đã nói với tôi rằng tôi là một designer nhanh nhất mà anh ấy từng làm việc cùng tại Google. Tôi chỉ làm việc khoảng 32 giờ/tuần và có thể dành trọn một ngày trong tuần để làm các dự án cá nhân, vì đã hoàn thành mọi việc khác", Tony Aubé chia sẻ thêm.
Thực tế, không phải mọi nhân viên tại Meta, nơi đã tuyển dụng 75.000 người vào đầu năm 2023, đều đồng ý với quan điểm cho rằng nhân viên công nghệ được thuê để "giả vờ làm việc".
Một cựu nhân viên của Meta tên Arianna Tong nói rằng bản thân không đồng tình với câu chuyện "fake work".
"Tôi thấy rất nhiều video đồng tình và nói rằng họ đã 'giả vờ làm việc' tại Meta. Nhưng tôi muốn cho bạn thấy lịch trình của tôi trông như thế nào, bởi câu chuyện họ kể hoàn toàn trái ngược với trải nghiệm của tôi", cô nói.
Trong video, Tong chia sẻ một bức ảnh chụp lịch trình của mình, trong đó các sự kiện chồng chất lên nhau.
Tong từng làm việc với tư cách là quản lý nhân sự và đối tác tại công ty, sau đó là thành viên hội đồng quản trị trong Hội đồng tư vấn sản phẩm cho người sáng tạo nội dung - một chương trình thử nghiệm của Meta - trong gần hai năm trước khi rời công ty vào tháng 3 năm nay.
"Tôi đã phải vật lộn với công việc. Tôi đã kiệt sức vào thời điểm tháng 12 năm ngoái, đến mức sếp của tôi nói rằng 'Bạn cần nghỉ ngơi'".
Đầu tháng này, Mark Zuckerberg tuyên bố công ty sẽ sa thải thêm 10.000 nhân viên sau khi cắt giảm 13% lực lượng lao động vào cuối năm ngoái.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nhan-vien-gia-vo-lam-viec-nhan-luong-cao-la-co-that-a43845.html