Theo công bố của Trường ĐH Hùng Vương, điểm chuẩn xét học bạ tổ hợp 3 môn học kỳ 1 hoặc tổ hợp 3 môn cả năm lớp 12 vào tất cả các ngành đào tạo của trường là 15 điểm. Đây là mức điểm rất thấp bởi thí sinh chỉ cần trung bình 5 điểm học bạ/môn là trúng tuyển. Hoặc Trường ĐH Kiên Giang có tới 7 ngành lấy điểm chuẩn là 15 điểm (3 môn) và nhiều ngành khác có điểm chuẩn 16 điểm. Trường ĐH Gia Định lấy điểm chuẩn học bạ theo phương thức tổng điểm trung bình 5 học kỳ từ 16,5 điểm (trung bình mỗi học kỳ 5,5 điểm) là trúng tuyển, chương trình tài năng là 18 điểm (trung bình mỗi học kỳ 6 điểm).
Thực tế ghi nhận điểm trung bình 6 điểm/môn xét hồ sơ học bạ gần như chiếm phần lớn ở khối các trường ngoài công lập. Đơn cử, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Kinh tế - Tài chính TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành… có điểm chuẩn đầu vào cũng ở mức 6 điểm/môn.
Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm truyền thông của trường ĐH Công nghệ TPHCM, hầu hết các ngành của trường ở đợt tuyển sinh này theo phương thức xét học bạ có mức điểm chuẩn là 18 điểm/3 môn. Chỉ có nhóm ngành sức khỏe, mức xét tuyển đầu vào cao hơn. Ở các đợt tuyển sinh tới, mức điểm chuẩn dự kiến sẽ nhích lên cao hơn.
Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định điểm sàn xét tuyển với các trường ĐH, ngoài 2 nhóm ngành là sư phạm và sức khỏe. Theo đó, các trường được tự quyết định mức điểm đầu vào với các phương thức xét tuyển như điểm học bạ (3 môn, 5 môn hoặc 6 môn, hoặc tùy theo nhóm môn học, lớp). Ngoài việc tự đặt ra mức điểm xét tuyển học bạ, ghi nhận tình trạng tuyển sinh ĐH vài năm qua cho thấy, mức điểm học bạ để trúng tuyển cũng có xu hướng giảm ở một số trường, một số nhóm ngành bởi tình trạng cạnh tranh chiêu sinh ngày càng gay gắt. Các trường ngoài việc quảng cáo, lôi kéo thí sinh thì thường giảm mức điểm trúng tuyển để có thêm sinh viên.
Vài năm trở lại đây, xét tuyển ĐH bằng phương thức điểm học bạ THPT rất phổ biến, dẫn tới tình trạng “lạm phát” điểm số học bạ. Dù được nhắc tới khá nhiều bởi các nhà quản lý, chuyên gia và báo chí nhưng tình trạng này chưa có dấu hiệu cải thiện, khiến nhiều người lo ngại chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH ngày càng bị buông lỏng, khó quản lý.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/bat-ngo-voi-diem-chuan-dai-hoc-a43832.html