Thông tin trên Zing, mới đây PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, đơn vị này tiếp nhận điều trị cho hàng chục bệnh nhân mắc thủy đậu khoảng một tháng gần đây. Trong đó, đa phần bệnh nhân đã có biến chứng hoặc là đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai).
Thậm chí, trung tâm đã ghi nhận một trường hợp người lớn tử vong do biến chứng của thủy đậu. Đó là nam bệnh nhân 32 tuổi, nhập viện ngày 23/4, được chẩn đoán mắc thủy đậu có biến chứng viêm phổi, suy gan.
Người nhà cho hay, người bệnh có sức khỏe tốt, không có bệnh lý nền. Hai tuần trước khi nhập viện, anh có tiếp xúc con trai mắc thủy đậu.
Trước khi vào viện 4 ngày, bệnh nhân xuất hiện nốt phỏng nước dưới da kèm sốt, gai, rét. Anh đi khám tại phòng khám tư, được chẩn đoán mắc thủy đậu và dùng thuốc nhưng không đỡ. Người bệnh được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương nhưng bệnh diễn tiến nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
Anh được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng sốt cao kèm theo các triệu chứng suy đa phủ tạng, hôn mê, xuất huyết não, 2 phổi đông đặc, tổn thương tim.
Trong vòng chưa đầy 24h sau khi nhập viện, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, bệnh tình diễn biến rất nhanh. Sau 10 giờ chuyển đến trung tâm, anh có dấu hiệu tim đập nhanh. 5 giờ sau đó, các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh giảm. Anh được gia đình xin về nhà.
Dù được bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng chuyển trung tâm quá muộn và có nhiều biến chứng, bệnh nhân tử vong.
Liên quan tới bệnh thủy đậu, báo Tuổi Trẻ Online dẫn thông tin của các bác sĩ, thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, do vi rút Varicella Zoster gây ra và có thể bùng phát thành dịch. Vi rút gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp hoặc không khí, người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi.
Đặc biệt phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm tổn thương ngoài da, lành tính. Đối với các trường hợp khoẻ mạnh mắc thuỷ đậu sau khoảng 1 tuần bệnh sẽ tự hết, không để lại di chứng.
Dù là bệnh lành tính tự khỏi nhưng thuỷ đậu có thể mắc nặng ở nhóm người có nguy cơ cao như người suy giảm miễn dịch; người mắc ung thư đang điều trị hoá chất; người có bệnh lý nền đái tháo đường, tim mạch.
"Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời", bác sĩ Cường cho hay.
Các bác sĩ khuyến cáo, hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vắc xin. Vì vậy, người dân cần chú ý tiêm phòng thủy đậu theo khuyến cáo, đặc biệt nhóm người có nguy cơ cao.
Đối với trường hợp thuỷ đậu biến chứng, cần phải phát hiện và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.
Không nên kiêng tắm, kiêng nước
Các chuyên gia y tế chỉ ra, hiện nay, vẫn có nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió nên không tắm cho con. Tuy nhiên, đây là quan niệm chưa đúng, khi trẻ mắc thủy đậu thì cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng của trẻ càng nặng hơn. Ngoài ra, cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho con, không ăn kiêng.
Tiểu Phi (Tổng Hợp)
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/bo-tu-vong-khi-moi-32-tuoi-sau-khi-lay-thuy-dau-tu-con-nho-a43698.html