Bộ GD&ĐT có nên bỏ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học?

Theo TS.Nguyễn Kim Dung, việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học giúp cho các nhà tuyển dụng, xã hội, người học có các thông tin minh bạch về sản phẩm đào tạo và do đó, là động lực để các cơ sở giáo dục có thể tạo ra được những chương trình đào tạo tốt.

Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục Đại học theo hướng đề xuất bỏ kiểm định chương trình, chỉ thực hiện ở một số rất ít ngành đặc thù như: sư phạm, sức khoẻ, luật, công an và quốc phòng.

Cụ thể, Điều 39 của Dự thảo này nêu: Đối tượng phải thực hiện kiểm định định kỳ bao gồm: các cơ sở giáo dục đại học; các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực đào tạo giáo viên, khoa học sức khỏe, pháp luật, an ninh và quốc phòng; các chương trình đào tạo mới mở; các chương trình được cơ quan có thẩm quyền đặt hàng, giao nhiệm vụ và chương trình khác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.

Xây dựng chương trình đào tạo được cải tiến

Trao đổi với Người Đưa Tin về vai trò của kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học thời gian qua, TS.Nguyễn Kim Dung - Nguyên Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐHSP Tp.HCM cho biết, trong những năm từ 2000 Việt Nam đã bắt đầu kiểm định trường, kiểm định cơ sở giáo dục. Điều này hơi khác so với xu thế của các nước Đông Nam Á hoặc các nước khác thường kiểm định chương trình đào tạo trước hoặc cùng tiến hành thực hiện cả ở hai hình thức.

Theo bà Dung, thời điểm đó, chúng ta kiểm định cơ sở giáo dục trước là bởi khi đó số lượng cơ sở giáo dục đại học ít hơn, còn số lượng các chương trình đào tạo thì khá nhiều mà chúng ta thì chưa đủ chuyên gia để thực hiện.

Sau đó, qua kinh nghiệm quốc tế cũng như qua quan sát của các chuyên gia thì chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng kiểm định chương trình đào tạo rất quan trọng do có thể trực tiếp liên quan đến sản phẩm đào tạo là người học.

Bộ GD&ĐT có nên bỏ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học?- Ảnh 1.

TS.Nguyễn Kim Dung - Nguyên Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐHSP Tp.HCM.

"Nhờ vào kiểm định chương trình đào tạo mà chúng ta đã học hỏi trên thế giới rất nhiều những mô hình xây dựng chương trình. Cụ thể là mô hình ngược, tức người học học xong phải đạt được chuẩn đầu ra. Từ chuẩn đầu ra thì xem lại phương pháp, nội dung giảng dạy, cách kiểm tra đánh giá để có thể xây dựng những chương trình đào tạo giúp người học đạt được chuẩn đầu ra", bà Dung cho hay.

Do đó, bà Dung cho rằng, từ chính sách yêu cầu các chương trình đào tạo phải được kiểm định mà trong những năm qua các trường đại học ở Việt Nam học được rất nhiều từ việc xây dựng các chương trình đào tạo để đạt được kiểm định.

Hiện nay, các trường đại học ở Việt Nam cơ bản đã nắm rõ cách xây dựng chương trình đào tạo theo hướng thiết kế chương trình dựa trên chuẩn đầu ra để giúp người học đạt được mục tiêu.

Nói thêm về ưu điểm của kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học, bà Dung cho rằng, việc kiểm định giúp cho các nhà tuyển dụng, xã hội, người học có các thông tin minh bạch về sản phẩm đào tạo và do đó, là động lực để các cơ sở giáo dục có thể tạo ra được những chương trình đào tạo tốt.

"Có thể khẳng định, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2000 cho đến nay, qua thời gian nhận thấy nhận thức của tất cả mọi người, đặc biệt là trong giới giáo dục đại học, về cách thức xây dựng chương trình đào tạo đã được cải tiến rất nhiều", bà Dung nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT có nên bỏ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học?- Ảnh 2.

Việc kiểm định giúp cho các nhà tuyển dụng, xã hội, người học có các thông tin minh bạch về sản phẩm đào tạo.

Bên cạnh những ưu điểm, Nguyên Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐHSP Tp.HCM cũng cho rằng thời gian đầu sau khi chính sách bắt buộc kiểm định ở 2 cấp và liên quan đến việc tuyển sinh, việc kiểm định chương trình diễn ra khá ồ ạt, đặc biệt ở giai đoạn đầu khi còn thiếu các cơ sở kiểm định.

"Khi yêu cầu kiểm định chương trình đào tạo với số lượng lớn như vậy dẫn tới không đủ số lượng các trung tâm kiểm định chất lượng và kiểm định viên các chuyên ngành còn hạn chế", bà Dung nêu những hạn chế.

Thậm chí, một số trường đại học đang cố gắng đạt kiểm định bằng mọi cách, thay vì tập trung bảo đảm chất lượng thực chất của chương trình đào tạo. Điều này xuất phát từ tâm lý coi kiểm định là mục tiêu, thay vì là hệ quả tất yếu của chất lượng, tức là các trường cố gắng "chạy" cho xong kiểm định để được tuyển sinh.

Lý do không nên bỏ kiểm định chương trình đào tạo

Cân nhắc những mặt tốt và hạn chế, bà Dung cho rằng không nên bỏ kiểm định chương trình đào tạo, bởi theo bà: "Chúng ta không thể nói các ngành như ngân hàng, kinh tế, cầu đường, tâm lý, ngôn ngữ hay những chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân khác nhau là những ngành không quan trọng. Mỗi ngành đều có các chuyên ngành đào tạo và đều có tầm quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực".

Do đó, bà Dung cho rằng không nên bỏ kiểm định mà cần làm sao để cải thiện, để kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trở nên thực chất hơn.

"Các chương trình đào tạo của các trường khi được kiểm định thì phải khiến người học, sinh viên tốt nghiệp, người sử dụng lao động cảm thấy xứng đáng, đạt được chuẩn đầu ra", bà Dung nói.

Bộ GD&ĐT có nên bỏ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học?- Ảnh 3.

Chuyên gia cho rằng không nên bỏ kiểm định chương trình đào tạo.

Theo bà, cần phải có lộ trình kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, thay vì chu kỳ 5 năm thì có thể lên đến 7 năm, 10 năm. Cùng với đó, cũng có thể nghĩ đến trong một ngành đào tạo sẽ có bao nhiêu chuyên ngành bắt buộc phải kiểm định.

Bà nêu ví dụ, tại Mỹ, quy định tỉ lệ phần trăm các chương trình đào tạo được kiểm định là cơ sở để đánh giá và kiểm định một trường đại học. Nghĩa là, nếu một trường muốn được kiểm định cấp cơ sở giáo dục, thì phải đạt một tỉ lệ nhất định các chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, sau hơn 10 năm thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học, đến nay đã có 35% chương trình đào tạo được kiểm định theo kế hoạch đặt ra, đó là một thành công lớn. Tuy nhiên, vẫn còn 65% các chương trình đào tạo chưa được đánh giá ngoài.

"Rõ ràng, không một trường đại học nào dám kiểm định chương trình trong khi họ chưa đáp ứng về những chuẩn tối thiểu trong chương trình đào tạo. Ví dụ như về tỉ lệ các giảng viên/sinh viên, về nghiên cứu khoa học, về mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình hay do cơ sở vật chất chưa đáp ứng…", bà Dung nói.

Ngoài ra, hiện nay vào đại học không còn khó như trước, người học có nhiều lựa chọn hơn, theo bà Dung khi đầu vào dễ thì việc nhà nước kiểm soát chất lượng, kiểm định chất lượng là cần thiết để thể hiện được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường.

"Tự chủ đại học không thể tách rời khỏi tính tự chịu trách nhiệm/trách nhiệm giải trình. Nếu một trường được trao quyền tự chủ mà không chịu trách nhiệm với các bên liên quan, đặc biệt là với xã hội về chất lượng đào tạo, thì rất dễ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc", bà Dung nhấn mạnh.

Trình tự, thủ tục cấp lại giấy chứng nhận kiểm định xe ô tô, nhiều người cần biết

Bà nhấn mạnh, kiểm định chất lượng là một công cụ của Nhà nước để bảo đảm được chất lượng đầu ra của các trường đại học.

"Cho nên nếu bỏ đi công cụ này thì Nhà nước sẽ làm thế nào để có thể kiểm soát và có thể bảo đảm được chất lượng của các trường đại học?", bà Dung băn khoăn.

Do đó, việc có một đơn vị thứ ba độc lập để kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học là cần thiết.

"Khi các trường xem chất lượng là yếu tố quyết định thì khi đó, việc kiểm định chất lượng sẽ không còn là gánh nặng như hiện nay. Các trường có trách nhiệm xây dựng và cung cấp cơ sở dữ liệu một cách minh bạch, đáng tin cậy, giúp các trung tâm kiểm định không phải huy động quá nhiều nhân lực hay tốn kém chi phí để rà soát. Nhờ vậy, chi phí kiểm định sẽ giảm đáng kể và hạn chế tranh cãi về tính chủ quan của kiểm định viên. Nhà nước vẫn có thể kiểm soát thông tin từ cả cơ sở đào tạo và đơn vị kiểm định, qua đó đảm bảo không bỏ ngỏ đầu ra chất lượng giáo dục đại học, nhất là với các chương trình đào tạo", bà Dung nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Ủy viên Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Trung tâm Kiểm định chất lượng ĐHQG TP. Hồ Chí Minh – cho rằng: Kiểm định chất lượng giáo dục không chỉ là yêu cầu bắt buộc theo Luật Giáo dục đại học năm 2018 và các văn bản liên quan, mà còn là căn cứ pháp lý then chốt để các cơ sở giáo dục đại học được trao quyền tự chủ. Khi đạt chứng nhận kiểm định, các trường đại học mới đủ điều kiện thực hiện đầy đủ quyền tự chủ trong các lĩnh vực trọng yếu như tuyển sinh, đào tạo, tài chính, nhân sự, tổ chức bộ máy… Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, kiểm định chất lượng chính là cơ sở nền tảng giúp các trường từng bước khẳng định vị thế và vận hành theo mô hình tự chủ, tiêu biểu như việc nhà trường được chủ động bầu hiệu trưởng, còn bộ chủ quản chỉ thực hiện việc công nhận.

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT – cho rằng: Trong bối cảnh quyền tự chủ đại học gắn liền với yêu cầu bắt buộc về kiểm định chất lượng, hoạt động kiểm định là cần thiết và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả nhà trường và người học. Vấn đề đặt ra là cần tổ chức hoạt động này một cách hiệu quả và tiết kiệm, tránh những chi phí không hợp lý – chẳng hạn như việc một số đoàn đánh giá ngoài di chuyển bằng vé máy bay hạng thương gia hoặc lưu trú tại khách sạn phòng VIP. Ông cũng lưu ý, trong khi phần lớn kiểm định viên thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, đúng chuẩn mực, thì vẫn còn một tỷ lệ rất nhỏ cá nhân có yêu cầu thiếu phù hợp, dẫn đến những đánh giá lệch lạc, làm ảnh hưởng đến cách nhìn nhận chung về hoạt động kiểm định.

TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mạng lưới Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam – cho rằng: Để đạt được kết quả kiểm định chất lượng thực chất, bên cạnh việc tuân thủ các tiêu chí và quy trình đánh giá, cần có sự phản hồi và đánh giá khách quan từ các bên liên quan, đặc biệt là nhà tuyển dụng, cựu sinh viên và các chuyên gia trong các lĩnh vực đào tạo của cơ sở giáo dục. Đây là những đối tượng trực tiếp thụ hưởng và kiểm chứng hiệu quả của quá trình đào tạo, nên đánh giá của họ mang tính thực tiễn và phản ánh đúng mức độ đáp ứng của chương trình đối với nhu cầu xã hội. Bà cũng nhấn mạnh rằng, tại các quốc gia phát triển – nơi có nhiều cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới – công tác kiểm định chất lượng được duy trì thường xuyên, bao gồm cả kiểm định ở cấp độ cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, như một cơ chế đảm bảo và nâng cao chất lượng không ngừng.

Công Luân

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/bo-gddt-co-nen-bo-kiem-dinh-chat-luong-chuong-trinh-dao-tao-dai-hoc-a136329.html