![]() |
Nhà toán học Trương Ích Đường trở thành giảng viên tại Đại học Trung Sơn. Ảnh: Chern Institute of Mathematics. |
Là một nhà toán học thành danh muộn, ông Trương Ích Đường (sinh năm 1955) có tài khoản cá nhân trên nền tảng hỏi đáp kiến thức “Zhihu”. Tuy nhiên, trước đây, IP của ông hiển thị vị trí tại Mỹ.
Kể từ sau ngày 27/6, điều đặc biệt là địa chỉ IP của ông đã hiển thị Hong Kong (Trung Quốc), có nghĩa là ông đã trở về sau nhiều năm sống tại Mỹ.
Theo thông tin chính thức được công bố trên trang web của Đại học Trung Sơn (Hong Kong, Trung Quốc), nhà toán học Trương Ích Đường chính thức trở thành giảng viên toàn thời gian, đồng thời được bổ nhiệm chức vụ tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Hong Kong.
Ông sẽ định cư và làm việc tại khu vực Vịnh Lớn. Thông báo của nhà trường cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng lần này, nhà toán học đưa cả gia đình về nước.
Năng khiếu toán học vượt trội
Theo The Paper, nhà toán học Trương Ích Đường sinh năm 1955 tại Thượng Hải (Trung Quốc). Gia đình ông đều là những phần tử tri thức nổi bật thời đó, cha là giáo sư đại học kiêm kỹ sư điện, mẹ là nhân viên văn phòng tại một cơ quan nhà nước.
Ngay từ nhỏ, cậu bé Ích Đường đã bộc lộ khả năng toán học vượt trội. Năm 9 tuổi, Trương Ích Đường đã biết đến định lý Fermat và giả thuyết Goldbach, từ đó say mê lĩnh vực số học. Khi mới học lớp 3 tiểu học, ông đã có thể tự chứng minh định lý Pytago.
Kể về anh trai, em gái Trương Doanh Đường kể rằng môi trường học tập của gia đình vẫn không thể đáp ứng "cơn khát" tri thức mãnh liệt của Trương Ích Đường. Những cuốn sách giáo khoa cũ của họ hàng, hay cuốn Mười vạn câu hỏi vì sao, đều bị Trương Ích Đường đọc nhiều đến mức rách hỏng. Anh chị lớn trong họ hàng học kém, ông còn kèm cho họ. Nhưng dần dần, điều đó vẫn không đủ với cậu bé ham học, nên ông tìm đến bạn thân là thầy Diêu.
Thầy Diêu là giáo viên Toán. Mỗi lần đến nhà chơi, Trương Ích Đường đều bám lấy ông hỏi han, thậm chí không cho ông trò chuyện phiếm, chỉ muốn bàn luận về toán học nâng cao. Khi thầy giáo làm đám cưới, do không được ngồi cạnh thầy để trao đổi về đề toán, cậu bé Ích Đường năm đó còn òa khóc.
Trong thời gian sống tại nông trường cải tạo cùng mẹ ở Hồ Bắc, Trương Ích Đường vẫn không ngừng tìm người để hỏi đủ chuyện. May mắn là nơi đó có nhiều phần tử trí thức. Mọi người cũng yêu quý cậu bé nhỏ tuổi nhưng đầu óc chứa đầy kiến thức cao siêu.
Sau đó, gia đình ông chuyển vào sống trong khuôn viên Đại học Thanh Hoa. Tại đây, cậu bé Trương Ích Đường như cá gặp nước, không ngừng tìm người để hỏi han, dần dần trở thành nhân vật quen mặt trong khuôn viên trường.
Khi lên đại học, Trương Ích Đường chọn khoa Toán của Đại học Bắc Kinh. Ông được công nhận là sinh viên xuất sắc toàn khóa. Nhiều bạn học kể rằng trong thời gian học, ông từng độc lập chứng minh một giả thuyết toán học, nhưng sau phát hiện đã có bài nghiên cứu quốc tế công bố cùng nội dung nên dừng lại.
Không dừng ở việc học đại học, Trương Ích Đường còn tiếp tục học lên thạc sĩ và từng giảng dạy một học kỳ tại Đại học Bắc Kinh. Vào năm 1985, theo đề cử của hiệu trưởng, ông đến Mỹ làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Purdue. Điều không ai ngờ là sau khi tốt nghiệp với tấm bằng tiến sĩ, thần đồng toán học của Trung Quốc lại gặp những biến cố nghiệt ngã.
![]() |
Thời gian sống tại Mỹ, nhà toán học người Trung Quốc từng gặp nhiều khó khăn, không thể tìm việc làm đúng chuyên ngành. Ảnh: Sohu. |
Biến cố không ai ngờ tới
Khi đến Mỹ, giảng viên hướng dẫn của Trương Ích Đường là giáo sư Mạc Tông Kiên. Giáo sư Mạc từng đến thăm Đại học Bắc Kinh vào năm 1984 và gặp ông Trương Ích Đường tại đó. Khi ấy, vị giáo sư đang tập trung nghiên cứu giả thuyết Jacobian và muốn tìm sinh viên cùng làm. Trương Ích Đường rất quan tâm nên đã theo ông nghiên cứu tại Đại học Purdue, theo China Science Daily.
Giả thuyết Jacobian là một vấn đề nan giải trong hình học đại số, được nêu ra từ năm 1939 và đến nay vẫn chưa được chứng minh. Dù khi ấy, giả thuyết này đã vượt xa trình độ nghiên cứu của bậc học viên cao học, việc Trương Ích Đường dám nhận làm đề tài cũng cho thấy ông rất tự tin.
Luận văn tiến sĩ của Trương Ích Đường là về giả thuyết Jacobian. Thực tế, ông đã nỗ lực suốt thời gian làm nghiên cứu sinh để chứng minh giả thuyết này. Do sử dụng một định lý phụ do giáo sư Mạc Tông Kiên đưa ra - định lý có thể không chính xác, gây ảnh hưởng toàn bộ nghiên cứu, bài báo của ông đành bị bỏ xó không được công bố.
Luận văn không hoàn thiện, Trương Ích Đường vẫn được trao bằng tiến sĩ vì khối lượng nghiên cứu quá lớn. Tuy nhiên, vấn đề công bố nghiên cứu cũng khiến mối quan hệ thầy trò trở nên khó nói.
Sau khi tốt nghiệp, giáo sư Mạc Tông Kiên không viết thư giới thiệu việc làm cho Trương Ích Đường - điều mà mọi giáo sư hướng dẫn đều nên làm. Không có thư giới thiệu, ông Trương gần như không thể tìm việc dù đã có bằng tiến sĩ.
Vì luận văn không được công bố và không có thư giới thiệu, Trương Ích Đường xin việc khắp nơi và đều thất bại. Cùng lúc đó, hàng loạt nhà toán học Liên Xô tràn vào Mỹ, khiến ông mất chỗ đứng trong giới toán học.
“Ông ấy không viết thư giới thiệu cho tôi, nên tôi nhiều năm không tìm được việc, gần như rơi vào đường cùng. Cuối cùng, tôi phải đi làm ở quán ăn trong 7 năm", ông Trương kể lại chuyện cũ.
Khi lang bạt đến bang Kentucky, ông Trương Ích Đường từng làm công việc thời vụ ở cửa hàng đồ ăn nhanh và có lúc phải tá túc tại nhà bạn bè. Những lúc không phải làm việc, ông thường đến thư viện Đại học Kentucky để đọc các tạp chí chuyên ngành về hình học đại số và số học.
Vào năm 1999, đàn em cùng khoa toán Đại học Bắc Kinh gọi điện cho ông, bày tỏ muốn giúp đỡ. Một người bạn của ông lúc ấy đang là giáo sư tại Đại học New Hampshire cũng tiến cử ông với nhà trường. Nhờ sự giúp đỡ của hai người bạn, ông Trương Ích Đường nhận được vị trí giảng viên tại trường, dạy môn Giải tích cho sinh viên.
Tại Đại học New Hampshire, ông Trương Ích Đường chỉ làm giảng viên hợp đồng, lương không cao, công việc không ổn định, lại không có ngân sách nghiên cứu. Mãi đến năm 2005, ông mới trở thành giảng viên chính thức. Dù vậy, ông luôn nói rằng mình rất biết ơn quãng thời gian ở New Hampshire, bởi công việc này đã cho phép ông yên tâm theo đuổi toán học.
Sau năm 2013, nhờ có nghiên cứu đột phá trong nghiên cứu về khoảng cách giữa các số nguyên tố sinh đôi, nhà toán học người Trung Quốc gây tiếng vang lớn trong giới khoa học, đồng thời nhận được loạt giải thưởng lớn nhỏ. Từ một giảng viên vô danh, không được giới toán học biết đến, ông nhanh chóng gây tiếng vang toàn cầu và được nhiều người coi trọng. Người thầy từng từ mặt ông trong nhiều năm cũng đột nhiên quay trở lại và muốn hàn gắn mối quan hệ.
Năm 1985, Trương Ích Đường ra nước ngoài du học. Năm 1987, ông từng về nước thăm gia đình nhưng mãi đến tháng 8/2013 ông mới đặt chân trở lại cố hương - sau 25 năm xa cách.
Điều đáng buồn là hai năm cuối đời của cha - khi ông bệnh nặng rồi qua đời - cũng là lúc Trương Ích Đường rơi vào giai đoạn đen tối nhất: Xích mích với giảng viên hướng dẫn, không có thư giới thiệu để xin việc, buộc phải làm công việc thời vụ, sống không ổn định… Trong thời đại thư tín còn chậm trễ, ông mất liên lạc hoàn toàn với gia đình. Người thân không biết ông ở đâu, sống ra sao.
“Sự né tránh của anh trai từng khiến tôi rất tức giận. Nhưng giờ tôi hiểu những bước đi chật vật của anh, và cả những nỗi buồn khi anh không dám đối diện với gia đình. Có lẽ cha tôi cũng cảm nhận được khó khăn của con trai, nên ông cũng chọn im lặng", em gái Trương Doanh Đường nói về anh trai.
Thị trường lao động thay đổi chóng mặt, để tồn tại, con người cần học tập suốt đời. Trong bối cảnh đó, tạp chí Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả cuốn Học tập suốt đời của tác giả Michelle R.Weise.
Tác phẩm cung cấp cho độc giả những đánh giá về thị trường lao động tương lai, những giải pháp cho nhu cầu vừa học vừa làm đang ngày một tăng, cùng với đó là đưa ra những cách kết nối để quá trình chuyển đổi “học-làm” diễn ra thuận lợi hơn. Từ đó, tác giả nêu lên vai trò của việc học tập suốt đời.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/cai-ket-dep-cho-thien-tai-toan-hoc-tung-co-7-nam-that-nghiep-o-my-a133857.html