Đề xuất cấm quảng cáo mỹ phẩm dùng từ "thần tốc", "chữa khỏi", "100% an toàn"…

Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm, trong đó đề xuất nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến hoạt động quảng cáo mỹ phẩm.

Theo dự thảo, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm chịu trách nhiệm về nội dung do cơ sở quảng cáo đối với sản phẩm mỹ phẩm do chính cơ sở kinh doanh và không phải xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm với cơ quan quản lý.

Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với bản chất vốn có của sản phẩm mỹ phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.

Không được quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm gây hiểu lầm sản phẩm đó là thuốc.

Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế khác.

Đề xuất cấm quảng cáo mỹ phẩm dùng từ "thần tốc", "chữa khỏi", "100% an toàn"…- Ảnh 1.

Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với bản chất vốn có của sản phẩm mỹ phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.

Dự thảo nêu rõ các thông tin, hình ảnh không được sử dụng trong nội dung quảng cáo mỹ phẩm:

- Các thông tin, hình ảnh bị cấm trong hoạt động quảng cáo quy định tại Luật quảng cáo.

- Không được sử dụng các câu, từ, hình ảnh mang tính suy diễn quá mức dẫn đến hiểu lầm là thuốc, quảng cáo quá tính năng, công dụng của sản phẩm.

- Nội dung giới thiệu quảng cáo tính năng sản phẩm mỹ phẩm không được chấp nhận quy định tại Phụ lục số 25 kèm theo dự thảo Nghị định này.

Theo dự thảo Nghị định, nội dung quảng cáo mỹ phẩm sẽ bị cấm sử dụng hàng loạt từ ngữ mang tính chất gây hiểu lầm về công dụng điều trị hoặc phóng đại hiệu quả sản phẩm. Cụ thể, các cụm từ như: "điều trị", "tiệt trừ", "chuyên trị", "chữa bệnh", "khỏi", "khỏi hẳn", "dứt", "cắt đứt", "chặn đứng", "giảm ngay", "giảm liền", "giảm tức thì", "khỏi ngay", "trị nám vĩnh viễn trong 7 ngày", "trị mụn, trắng da thần tốc", "kem trị nám, mỹ phẩm tự nhiên 100%", "trắng da cấp tốc/siêu tốc", "chữa viêm da", "giảm dị ứng", "diệt nấm", "diệt virus", "xóa sẹo", "giảm sẹo lồi", "làm sạch vết thương",... đều không được phép sử dụng.

Ngoài ra, những từ ngữ mang tính khẳng định hoặc so sánh tuyệt đối như: "hàng đầu", "đầu bảng", "đầu tay", "lựa chọn", "chất lượng cao", "tuyệt hảo", "tuyệt vời", "cực kỳ", "bảo đảm/đảm bảo 100%", "an toàn", "tốt nhất", "duy nhất", "nhất", cũng nằm trong danh sách cấm.

Dự thảo cũng không cho phép sử dụng các cụm từ liên quan đến công dụng không được phép công bố như: sản phẩm kích thích mọc tóc, mọc lông mi; sản phẩm giảm mỡ, giảm béo, giảm cân, giảm kích thước cơ thể; ngăn ngừa hoặc làm dừng sự phát triển của lông; dừng quá trình ra mồ hôi; mực xăm vĩnh viễn...

Sự thật về loạt mỹ phẩm thiên nhiên “thần thánh” bị thu hồiHàng loạt sản phẩm của mỹ phẩm Linh Anh bị thu hồi do sai phạm hồ sơ công bố

Bên cạnh đó, mọi từ ngữ, cụm từ có ý nghĩa tương tự hoặc không được chấp nhận trong công bố tính năng và tên sản phẩm theo quy định tại Phần 2, Phụ lục số 02 kèm theo dự thảo Nghị định cũng đều bị cấm sử dụng trong nội dung quảng cáo mỹ phẩm.

Không được sử dụng hình ảnh động vật, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Theo dự thảo, nội dung quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm phải có các thông tin bắt buộc sau: tên sản phẩm mỹ phẩm; tính năng, công dụng của sản phẩm mỹ phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.

Quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung tên sản phẩm mỹ phẩm; tính năng, công dụng của sản phẩm mỹ phẩm; các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/de-xuat-cam-quang-cao-my-pham-dung-tu-than-toc-chua-khoi-100-an-toan-a128109.html