Phòng ngừa thế nào khi nhiều bệnh truyền nhiễm dọa bùng phát

Hà An, 30 tuổi, TP HCM, đeo hai lớp khẩu trang khi ra đường và làm việc trong văn phòng để tránh mắc bệnh Covid-19.

An đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, tăng cường ăn uống đủ chất dinh dưỡng để bồi bổ cơ thể, kể từ khi số ca Covid-19 tăng nhẹ, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó bệnh. Ở nhiều nước châu Á, Covid-19 đang trở lại gợi nhớ thời kỳ đại dịch năm 2020-2022. Trong bối cảnh này, An sợ lây nhiễm bệnh do nhiều đồng nghiệp đã bị ho, mệt mỏi, song vẫn đi làm và không test Covid-19 hoặc cúm.

Covid-19 hiện là bệnh thường niên, không gây bệnh nặng nhưng triệu chứng dai dẳng và kéo dài. Lần cuối mắc bệnh cách đây 5 tháng, An đau hai hốc mắt, mất mùi, viêm họng và giọng nói khản đặc hơn một tuần. Vì vậy, cô không muốn tiếp tục mắc bệnh.

Nhân viên văn phòng đeo khẩu trang khi làm việc để phòng bệnh. Ảnh minh họa: Vecteezy

Nhân viên văn phòng đeo khẩu trang khi làm việc để phòng bệnh. Ảnh minh họa: Vecteezy

Còn bà Hồng Hạnh, 50 tuổi, Hà Nam, hai tuần nay luôn nhắc nhở gia đình khám định kỳ và tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết, cúm. Bà dọn dẹp nhà cửa hàng ngày và vệ sinh bằng cồn khử khuẩn hai lần một tuần đối với khu phòng khách, bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, khu vực thú cưng thường xuyên nằm ngủ.

Gia đình bà có hai người ngoài 80 tuổi mắc bệnh nền tiểu đường, cao huyết áp, xương khớp. Cùng thời điểm này năm ngoái, hai cụ lần lượt mắc sốt xuất huyết phải nhập viện, mất khoảng hai tuần để hồi phục. Bệnh viện nhắc nhở nên phòng bệnh hơn chữa bệnh, tránh nguy cơ trở nặng, biến chứng.

Còn gia đình anh Hữu Thuận, 38 tuổi, Hà Nội, lo phòng viêm phổi và sởi, cúm cho hai con gái. Mỗi bé đeo khẩu trang, tăng vệ sinh tay và thân thể hàng ngày. Khi ngủ, anh đảm bảo con không bị lạnh hoặc ra mồ hôi ở lưng, điều chỉnh hướng gió quạt và kiểm tra độ ẩm trong phòng thường xuyên.

Người lớn thường khỏe mạnh, có mắc bệnh cũng không trở nặng. Trẻ nhỏ sức khỏe yếu hơn, khi bị viêm phổi thường dai dẳng kéo dài, cần chú ý chăm sóc nên người lớn phải nghỉ làm dài ngày, ảnh hưởng công việc, cuộc sống.

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết hiện nay nhiều bệnh hô hấp diễn biến phức tạp. Tại Hà Nội, tuần trước ghi nhận 181 ca sởi, giảm nhẹ song vẫn có thể ghi nhận thêm ca nhiễm thời gian tới. Tại Đồng Nai, một ca tử vong do sởi được ghi nhận, đồng thời địa phương này khuyến cáo phòng bệnh do não mô cầu. Trên toàn quốc, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, địa phương triển khai phòng chống Covid-19, hồi cuối tháng 4 cảnh báo bệnh sốt xuất huyết vào mùa...

Bác sĩ Chính lưu ý chú ý biến chứng viêm phổi, viêm màng não, viêm não, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết của nhóm bệnh hô hấp. Lý do, các biến chứng này nặng, có thể gây tử vong khi không điều trị kịp thời. Trong khi đó, các bệnh hô hấp thường có triệu chứng tương tự nhau, khó phân biệt. Viêm phổi gây suy giảm chức năng phổi, có thể gây sẹo phổi, xơ hóa phổi ảnh hưởng khả năng hô hấp về sau.

Bệnh cần đặc biệt lưu tâm là não mô cầu do khiến khoảng 20% bệnh nhân gặp các di chứng thần kinh và vận động như liệt, điếc, cắt cụt chân tay, chậm phát triển trí tuệ...

Vì vậy, việc các gia đình tăng phòng bệnh được bác sĩ Chính đánh giá cao. Phòng bệnh đúng cách sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh, giảm lây nhiễm cho các đối tượng yếu thế như trẻ nhỏ, người già có nhiều bệnh nền...

Người lớn tiêm vaccine phòng 15 chủng phế cầu tại VNVC Hoàng Văn Thụ. Ảnh: Diệu Thuần

Người lớn tiêm vaccine phòng 15 chủng phế cầu tại VNVC Hoàng Văn Thụ. Ảnh: Diệu Thuần

Theo bác sĩ Chính, ngoài khẩu trang, rửa tay và tránh tiếp xúc người bệnh, mỗi thành viên trong gia đình nên thường xuyên súc họng để tiêu diệt mầm bệnh trú trong hầu họng. Nơi ở, trường học, nơi làm việc nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ để loại bỏ vi khuẩn, virus, loại bỏ nơi ở của muỗi, trung gian truyền bệnh.

Mỗi người nâng cao sức khỏe tổng thể thông qua chế độ dinh dưỡng đa dạng, dành thời gian vận động tối thiểu 150 phút/tuần dù công việc bận rộn. Thời tiết đang vào hè, người dân chú ý không sử dụng nước quá lạnh, tắm quá muộn, sử dụng các thiết bị làm mát hợp lý để không gây sốc cho cơ thể.

Khi có các biểu hiện ho, khó thở cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời. Với người trở về từ quốc gia có dịch bệnh, cần chủ động theo dõi sức khỏe và phòng ngừa lây lan cho người thân và cộng đồng.

Hiện các bệnh như cúm, viêm phổi do phế cầu, não mô cầu, sởi, bạch hầu, ho gà, thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản... đã có vaccine phòng ngừa. Người dân nên tham khảo để tiêm chủng đầy đủ cho gia đình và bản thân.

Với sởi, tiêm đầy đủ vaccine có hiệu quả phòng bệnh đến 98%. Vaccine cúm giúp phòng các chủng virus cúm phổ biến gồm cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B, tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn, nhắc lại mỗi năm một lần. Với não mô cầu, mọi người cần tiêm phối hợp các loại vaccine để phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh phổ biến A, B, C, Y, W-135.

Vaccine phế cầu giúp giảm nguy cơ mắc Covid-19 và các loại virus gây bệnh đường hô hấp khác cho trẻ em và người lớn. Có nhiều loại vaccine như mũi ngừa 10 chủng, 13 chủng, 15 chủng tiêm từ 6 tuần tuổi; mũi ngừa 23 chủng phế cầu tiêm từ 2 tuổi.

Vaccine sốt xuất huyết tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Còn vaccine phòng bạch hầu, ho gà sau lịch tiêm cơ bản trước 2 tuổi, nhắc lại lúc 4-6 và 9-15 tuổi, tiếp tục tiêm một mũi sau mỗi 10 năm.

Tuấn An

20h ngày 23/5, Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Tiêm vaccine phòng Cúm & Phế cầu trong bối cảnh dịch bệnh hô hấp phức tạp". Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia:

BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Bà Nguyễn Dương Khánh Vy, Quản lý Chăm sóc khách hàng, Hệ thống tiêm chủng VNVC.

BS.CKI Nguyễn Hoàng Anh, Bác sĩ điều trị, Đơn vị bệnh nhiễm, khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP HCM.

Chương trình phát sóng trên các kênh truyền thông của VnExpress, VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phòng khám dinh dưỡng Nutrihome. Độc giả đặt câu hỏi tại đây.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/phong-ngua-the-nao-khi-nhieu-benh-truyen-nhiem-doa-bung-phat-a128009.html