Giá đất nền tăng do yếu tố đầu cơ từ thông tin sáp nhập?

Theo Bộ Xây dựng, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại nhiều tỉnh, thành trước thông tin sáp nhập tăng trên 20% trong thời gian ngắn có yếu tố đầu cơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường.

Trong báo cáo thị trường bất động sản quý I, Bộ Xây dựng cho biết, giao dịch nhà ở và đất nền có nhiều biến động so với quý trước, do thông tin sáp nhập các tỉnh, thành. Cả nước có gần 33.600 giao dịch nhà ở riêng lẻ, tăng 32% theo quý. Phân khúc đất nền cũng ghi nhận hơn 101.000 giao dịch, tăng hơn 16%.

Về giá bán, Bộ Xây dựng cho biết, các tỉnh, thành có thông tin là nơi đặt cơ quan hành chính mới, mặt bằng giá đất bị đẩy lên cao. Ví dụ, tại Phú Thọ, một số khu dân cư, thậm chí cả khu đô thị bị bỏ hoang tại các phường Vân Phú, Trưng Vương, Thọ Sơn, Thanh Miếu, Gia Cẩm được rao bán với giá đất tăng 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Tại Hải Phòng, đất nền tại Kiến Thụy, An Đồng, Thủy Nguyên được chào với giá tăng 15-20%.

Giá đất nền tăng do yếu tố đầu cơ từ thông tin sáp nhập?- Ảnh 1.

Giá đất nền thời gian qua tại một số địa phương tăng cao nhưng giao dịch ít.

Tương tự, ở phía Nam, giá bán đất nền một số khu vực thuộc Nhơn Trạch (Đồng Nai) tăng khoảng 20-30%, có nơi tăng trên 40% so cùng kỳ năm 2024.

"Đà tăng về giá và lượng giao dịch đất nền có yếu tố đầu cơ , tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường", Bộ Xây dựng đánh giá.

Trước đó, cơ quan quản lý tại nhiều địa phương đã cảnh báo tình trạng trên, đồng thời tăng cường kiểm soát, quản lý thị trường.

Theo thông tin từ Hội Môi giới bất động sản (VARS), tại các địa phương trên cả nước, chỉ sau vài tuần kể từ khi có thông tin đề xuất sáp nhập tỉnh thành , giá đất tại một số địa phương đã bị đẩy lên cao, có nơi lên tới 20%. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận, lượng giao dịch chỉ tăng trưởng tại các tỉnh thành được dự đoán là trung tâm khi sáp nhập, mặt bằng giá bất động sản chưa quá cao.

Cùng với việc dự báo phương án sáp nhập tại các tỉnh, nhiều người cũng đang tích cực xuống tiền vào bất động sản tại những địa phương được cho sẽ là trung tâm của tỉnh mới, những nơi này được dự đoán có nguồn cầu từ các công chức, viên chức, người lao động phải thay đổi nơi làm việc.

Theo VARS, diễn biến này không mới với thị trường bất động sản Việt Nam. Lịch sử cho thấy, mỗi khi xuất hiện thông tin về quy hoạch mới, giá đất ở khu vực liên quan thường tăng mạnh trong ngắn hạn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý Fomo (sợ bỏ lại phía sau) của nhà đầu tư .

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS khẳng định, phần lớn các đợt tăng giá này đều mang tính đầu cơ. Bởi lẽ, kể cả khi có sự thay đổi về mặt hành chính liên quan quyết định sáp nhập, thì cũng chưa chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển vượt trội tại khu vực, ít nhất là trong ngắn hạn, đặc biệt là trong bối cảnh giá bất động sản đang bị đẩy lên cao so với thu nhập của phần đông người dân trong thời gian qua.

VARS cho rằng, quyết định vội vàng khi chưa nghiên cứu, đánh giá kỹ thông tin sẽ khiến nhà đầu tư đối diện nhiều rủi ro. Hệ quả là không ít nhà đầu tư bị chôn vốn, không đủ lực trụ đến khi giá bất động sản thật sự tăng.

Đơn cử, khi thông tin về một số huyện ngoại thành tại Hà Nội hay TP HCM lên quận được đưa ra, giá đất lập tức tăng phi mã. Tuy nhiên, nhiều khu vực không có sự đầu tư về hạ tầng, thị trường đã nhanh chóng rơi vào tình trạng “bong bóng xì hơi”, giá quay đầu giảm sau khi cơn sốt qua đi.

Theo ông Đính, việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ có tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Theo đó, việc sáp nhập có thể sẽ hỗ trợ giảm bớt một số thủ tục pháp lý thực hiện dự án, giúp thị trường có thêm nguồn cung, đặc biệt là ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền, người dân sẽ có thêm nhiều lựa chọn mua nhà với mức giá hợp lý hơn.

Ông Đính cảnh báo, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước cơn sốt ảo. Bởi những cơn sốt đất thường chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ nhà đầu cơ, trong khi phần lớn nhà đầu tư cá nhân và người mua để ở thực có nguy cơ mắc kẹt nếu mua với mức giá đã bị đẩy lên quá cao. Trên thực tế, sau mỗi đợt sốt đất, rất nhiều nhà đầu tư mua vào ở mức giá đã đạt đỉnh phải chịu chôn vốn trong thời gian dài hoặc chấp nhận cắt lỗ với thanh khoản kém.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/gia-dat-nen-tang-do-yeu-to-dau-co-tu-thong-tin-sap-nhap-a127890.html