Nghị định thư xuất sầu riêng sang Trung Quốc sắp hết hạn, Hiệp hội gửi "tâm thư" tới Bộ trưởng

Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát, kiểm tra, đánh giá việc đàm phán, tái ký kết Nghị định thư.

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, vừa có "tâm thư" gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) Đỗ Đức Duy.

Nghị định thư xuất sầu riêng sang Trung Quốc sắp hết hạn, Hiệp hội gửi "tâm thư" tới Bộ trưởng- Ảnh 1.

Xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn

"Tâm thư" nêu những điều bất cập liên quan đến hoạt động xuất khẩu sầu riêng trong mùa vụ thu hoạch tới của khu vực Tây Nguyên nói riêng và các tỉnh thành có diện tích sầu riêng nói chung.

Thống kê của Hiệp hội trên cho hay, tổng diện tích thu hoạch của 2 mùa miền Đông và Tây Nguyên ước chừng khoảng 45.000 ha, tương đương khoảng 500.000 tấn sầu riêng trong năm 2025. Trong đó, Tây Nguyên sẽ thu hoạch sầu riêng từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm, mùa duy nhất trên thế giới có sầu riêng.

Tuy nhiên, từ năm 2024 đến nay, Trung Quốc phát hiện sầu riêng Việt Nam và Thái Lan đều nhiễm cadimi, yêu cầu 100% lô hàng phải có giấy kiểm nghiệm cadimi và vàng O mới được thông quan, nếu phát hiện tồn dư, các mã số nhà đóng gói và vùng trồng sẽ bị đình chỉ.

Đến nay, số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của ngành nông sản Việt Nam nói chung như mít, sầu riêng đã bị phía Trung Quốc liên tục thu hồi.

Đối với sản phẩm sầu riêng, số lượng mã số bị thu hồi đã lên đến con số khoảng 55 mã số vùng trồng và 61 mã số cơ sở đóng gói; đồng thời kể từ tháng 9-2023 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật liên tục giới thiệu các vùng trồng và cơ sở đóng gói mới sang Trung Quốc và không được chấp thuận, tổng diện tích cả nước là 150.000 ha, nhưng diện tích được cấp mã số khoảng 20%, chưa tương xứng với năng lực xuất khẩu thực tế của Việt Nam.

Đối với các phòng thí nghiệm được phía Trung Quốc phê duyệt để thực hiện công tác kiểm nghiệm các lô hàng xuất khẩu, đến nay liên tục bị thu hồi, dẫn đến việc kiểm nghiệm hàng hóa không được thường xuyên đều đặn, chậm trễ và không minh bạch...

Từ những bất cập trên, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ NN-MT rà soát, kiểm tra, đánh giá việc đàm phán, tái ký kết Nghị định thư (tháng 7-2025, Nghị định thư giữa Bộ NN-PTNT, nay là Bộ NN-MT ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ hết hạn sau 3 năm thực hiện.

"Trong 3 năm thực hiện nghị định thư, xảy ra quá nhiều bất cập, dẫn đến rối loạn trong công tác quản lý và kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu" - ông Vũ Đức Côn nêu trong văn bản. 

Theo đó, Bộ NN-MT cần nghiên cứu xây dựng các quy định của pháp luật liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói theo quy định tại Luật Trồng trọt để việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói thuận lợi, rõ ràng minh bạch.

Đối với vùng trồng vi phạm, có nguy cơ cao, đã có kết luận điều tra nguyên nhân của Cục Bảo vệ thực vật, cần khoanh vùng báo động đỏ để có giải pháp cải tạo các vấn đề liên quan đến quy trình canh tác.

Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, hiện nay, phía Trung Quốc chỉ phê duyệt cho một số phòng thí nghiệm được Cục giới thiệu sang để kiểm tra vàng O và cadimi, theo đó đề nghị Bộ NN-MT chỉ đạo các phòng thí nghiệm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp kết nối, không đứt gãy thông tin với chi phí ổn định và hợp lý, tránh trường hợp độc quyền trục lợi, tạo ra cơ chế xin - cho.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nghi-dinh-thu-xuat-sau-rieng-sang-trung-quoc-sap-het-han-hiep-hoi-gui-tam-thu-toi-bo-truong-a127844.html