Dị tật bàn chân khoèo ở trẻ em

TP HCMDị tật bẩm sinh bàn chân khoèo không gây đau nhưng có thể khiến trẻ mất cân bằng, khó đi lại, giảm khả năng chịu lực của cơ thể.

Dị tật bàn chân khoèo là tình trạng bàn chân bị cong vào trong thay vì hướng thẳng xuống, do sự phát triển bất thường của xương khi thai nhi còn trong bụng mẹ. Dị tật này gồm ba loại biến dạng chính gồm đảo ngược khớp cận xương sên làm đảo ngược phần phía sau bàn chân, bất thường khớp sên - ghe làm bàn chân khép trong, bất thường khớp cổ chân và lòng bàn chân khiến bàn chân ngửa, xoay trong.

ThS.BS.CKI Võ Dương Hương Quỳnh, Phó khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trẻ mắc dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh không quá phổ biến nhưng cũng không ít, trung bình khoảng 1-2/1.000 trẻ, xuất hiện ở bé trai nhiều hơn bé gái. Tuy nhiên, thực tế nhiều phụ huynh không chú ý, nhầm lẫn hoặc bỏ sót, nhất là khi trẻ sơ sinh còn nhỏ, chưa đi đứng, bàn chân thường hơi co cong lại nên khó nhận biết. Phụ huynh cũng có thể nhầm bàn chân trẻ cong vào là tư thế bình thường của thai nhi, trẻ lớn lên sẽ hết, bỏ qua khâu khám sàng lọc kỹ sau sinh. Trường hợp trẻ bị bàn chân khoèo nhẹ càng khó phát hiện.

Mỗi tuần, hệ thống bệnh viện Tâm Anh tiếp nhận khoảng 10 trẻ bị bàn chân khoèo do bẩm sinh và các bệnh lý khác, theo bác sĩ Quỳnh. Phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng vì lúc này xương khớp, dây chằng của trẻ vẫn còn mềm, dễ điều chỉnh bằng phương pháp bó bột, tránh co rút gân gót phải cắt gân, ngăn ngừa biến dạng. Bỏ sót, điều trị muộn có thể khiến trẻ mất cân bằng nghiêm trọng, ảnh hưởng khả năng đi lại và chịu lực cơ thể.

Bác sĩ bó bột chỉnh hình bàn chân khoèo cho bé Lộc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ bó bột chỉnh hình bàn chân khoèo cho bé Lộc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Như bé Lộc, ngụ Long An, bị chân khoèo bẩm sinh, được gia đình đưa tới bệnh viện khi mới 40 ngày tuổi. Đánh giá trên thang điểm phân loại bàn chân khoèo Diméglio, bệnh nhi đạt 18/20 điểm, cấp độ dị tật chân rất nặng. Nhờ được phát hiện kịp thời, bé Lộc được điều trị bằng phương pháp bó bột nắn chỉnh, không phải cắt gân. Sau 6 tháng điều trị, chân bệnh nhi gần như trở về bình thường. Kết quả kiểm tra trên thang điểm Diméglio chỉ còn 5 điểm (cấp độ nhẹ), gân gót không còn co rút, lực cơ hồi phục tốt. Trong quá trình điều trị, bệnh nhi không đau, vui vẻ, ngủ ngon, bú mẹ tốt.

Tương tự, bé My, ngụ Đắk Lắk, được chẩn đoán bàn chân khoèo ngay trong tuần đầu tiên sau sinh. Nhờ phát hiện sớm nên được điều trị bằng bó bột, không phải cắt gân. Sau quá trình bó bột chỉnh hình, bé được chuyển sang nẹp nhựa, mỗi giai đoạn diễn ra trong 5 tuần. Khi bàn chân đủ lớn, bệnh nhi được cho mang giày chỉnh hình 8 tiếng mỗi ngày (vào lúc ngủ). Hiện chân bệnh nhi đã khôi phục hình dáng cơ bản.

Tình trạng bàn chân bé My trước (trái) và sau điều trị. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tình trạng bàn chân bé My trước (trái) và sau điều trị. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Quỳnh, dị tật bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh có thể phát hiện từ tuần thứ 17 của thai kỳ thông qua siêu âm. Khi trẻ chào đời, dị tật này cũng có thể phát hiện bằng mắt thường, với các triệu chứng đặc trưng như bàn chân gập vào lòng, mép ngoài bàn chân cong hơn so với bình thường, gót và giữa bàn chân có các nếp lằn da, ngón chân cái ngắn hơn bình thường. Sờ nắn bàn chân trẻ có cảm giác cứng, ít linh hoạt do cơ và dây chằng bàn chân bị co rút cũng là dấu hiệu của bệnh.

Trường hợp phát hiện muộn (trẻ trên 6 tháng tuổi), bác sĩ vẫn cố gắng định hình lại bàn chân bằng cách uốn nắn bó bột. Tuy nhiên, do chân bệnh nhi đã cứng hơn nên cần nhiều thời gian hơn để đạt độ gập lưng bàn chân tối đa, sau đó chuyển sang giai đoạn mang giày giữ tư thế và cuối cùng là cắt gân gót.

Phẫu thuật cắt gân gót được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên về phẫu thuật chỉnh hình nhi với mục tiêu kéo dài gân gót, điều chỉnh bàn chân về tư thế đúng, chuyển gân chày trước, giải phóng các phần mềm ở sau và trong chân. Kết thúc phẫu thuật, bệnh nhi được bó bột thêm ba tuần và chăm sóc vết thương hậu phẫu. Sau tháo bột, bệnh nhi tiếp tục tập vật lý trị liệu và mang nẹp cố định chân theo chỉ định của bác sĩ. "Sau phẫu thuật, bệnh nhi có thể sinh hoạt bình thường nhưng chức năng hồi phục 80-90%", bác sĩ Quỳnh nói, thêm rằng trẻ càng lớn, điều trị càng khó và hiệu quả càng giảm.

Nguyên nhân chính xác gây ra dị tật này vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nhà khoa học cho rằng đây là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền và môi trường trong quá trình phát triển của thai nhi. Bác sĩ Quỳnh khuyến cáo phụ nữ mang thai cần đi khám thai định kỳ để biết được tình trạng phát triển của thai nhi, kịp thời phát hiện và có hướng xử lý nếu xuất hiện bất thường. Trẻ đã chào đời cần khám sàng lọc sau sinh với bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ chỉnh hình nhi càng sớm càng tốt. Phát hiện bệnh sớm ngay trong những tuần đầu đời giúp bắt đầu quá trình điều trị sớm, tránh can thiệp phẫu thuật về sau.

Phi Hồng

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/di-tat-ban-chan-khoeo-o-tre-em-a127234.html