Chuyện gì đây: OpenAI sắp IPO, đàm phán căng thẳng với Microsoft để hiện thực hoá kế hoạch tái cấu trúc 260 tỷ USD

OpenAI và Microsoft đang viết lại các điều khoản trong quan hệ đối tác trị giá hàng tỷ USD.

Chuyện gì đây: OpenAI sắp IPO, đàm phán căng thẳng với Microsoft để hiện thực hoá kế hoạch tái cấu trúc 260 tỷ USD- Ảnh 1.

OpenAI và Microsoft đang viết lại các điều khoản trong quan hệ đối tác trị giá hàng tỷ USD, trong một cuộc đàm phán cho phép nhà sản xuất ChatGPT tung ra đợt chào bán công khai lần đầu ra công chúng, đồng thời bảo vệ quyền truy cập của gã khổng lồ phần mềm vào các mô hình trí tuệ nhân tạo tiên tiến.

Microsoft, đơn vị hậu thuẫn lớn nhất của OpenAI, hiện vẫn do dự trước kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp trị giá 260 tỷ USD của công ty khởi nghiệp này. Nút thắt quan trọng trong các cuộc thảo luận là Microsoft sẽ nhận được bao nhiêu vốn chủ sở hữu để bù đắp cho hơn 13 tỷ USD đã đầu tư vào OpenAI.

Theo những người biết về các cuộc đàm phán, cả OpenAI và Microsoft đều đang sửa đổi các điều khoản của bản hợp đồng vốn được soạn thảo khi Microsoft lần đầu đầu tư 1 tỷ USD vào OpenAI vào năm 2019. Hợp đồng hiện có hiệu lực đến năm 2030, bao gồm quyền truy cập của Microsoft vào tài sản trí tuệ của OpenAI cũng như chia sẻ doanh thu từ việc bán sản phẩm.

Hiện Microsoft đang đề nghị từ bỏ một số cổ phần của mình trong doanh nghiệp để đổi lấy quyền truy cập công nghệ mới được phát triển sau thời hạn 2030. Thỏa thuận này được cho là rất quan trọng đối với các nỗ lực tái cấu trúc của OpenAI và có thể quyết định tương lai công ty đi đầu trong các nhóm công nghệ xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn.

Theo nguồn tin nội bộ, các cuộc đàm phán giữa OpenAI và Microsoft vốn đã trở nên phức tạp do mối quan hệ nguội lạnh. Tham vọng của OpenAI đã làm tăng lên sự cạnh tranh với chính nhà tài trợ lớn nhất của mình. Công ty khởi nghiệp này hiện nhắm mục tiêu vào các khách hàng doanh nghiệp, đồng thời tìm kiếm đối tác như SoftBank của Nhật Bản và Oracle của Larry Ellison để xây dựng cơ sở hạ tầng điện toán rộng lớn có tên là Stargate.

“Sự căng thẳng một phần là do phong cách làm việc của OpenAI. Điều này tự nhiên dẫn đến căng thẳng”, một nhân viên cấp cao tại Microsoft cho biết. “Thành thật mà nói, đó là thái độ đối tác tệ hại, nó cho thấy sự kiêu ngạo”.

Chuyện gì đây: OpenAI sắp IPO, đàm phán căng thẳng với Microsoft để hiện thực hoá kế hoạch tái cấu trúc 260 tỷ USD- Ảnh 2.

Trong khi đó, một người thân cận với OpenAI cho biết: “Microsoft vẫn muốn cuộc chuyển đổi này thành công. Không phải mọi thứ đều trở nên tồi tệ. Đúng là cuộc đàm phán khó khăn nhưng chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ hoàn thành được”.

Được biết, tình anh em giữa OpenAI với Microsoft đã bắt đầu xuất hiện vết rạn từ cuối 2024, phần nhiều do áp lực tài chính đối với OpenAI, mối lo ngại về tính ổn định của công ty cũng như bất động quan điểm nội bộ. Căng thẳng cho thấy một thách thức quan trọng đối với các công ty khởi nghiệp AI, rằng họ sẽ bị phụ thuộc vào những gã khổng lồ công nghệ.

“Chúng tôi vô cùng biết ơn mối quan hệ đối tác với Microsoft; khoản cược lớn ban đầu mà họ dành cho chúng tôi và các nguồn lực tính toán khổng lồ rất cần thiết cho những đột phá trong nghiên cứu”, ông Altman từng cho biết trong một tuyên bố vào thứ năm. “Chúng tôi rất vui mừng, cam kết theo đuổi tầm nhìn chung và cùng nhau đạt được những điều lớn lao hơn nữa trong tương lai xa”.

Trong năm qua, OpenAI đã cố gắng đàm phán lại thỏa thuận để giúp công ty đảm bảo nhiều sức mạnh tính toán, đồng thời giảm chi phí khổng lồ trong khi các giám đốc điều hành của Microsoft ngày càng lo ngại rằng công việc AI của họ phụ thuộc quá nhiều vào OpenAI. Quyết định sa thải trước đây đối với ông Altman vào tháng 11 đã khiến Microsoft rất lo lắng.

Kể từ đó, Microsoft bắt đầu phòng ngừa rủi ro cho khoản đầu tư của mình. Công ty đã trả ít nhất 650 triệu USD thuê hầu hết nhân viên từ Inflection - đối thủ cạnh tranh của OpenAI. “Microsoft có thể bị tụt hậu nếu chỉ sử dụng các công nghệ OpenAI”, Gil Luria, một nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư D.A. Davidson cho biết. “Đây là một cuộc đua thực sự”.

Microsoft đã thêm OpenAI vào danh sách các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực AI tìm kiếm. CEO của Microsoft Satya Nadella quyết định mở rộng các khoản đặt cược để chiếm lĩnh vị thế đi đầu, phần vì cũng không còn muốn phụ thuộc quá nhiều vào OpenAI.

Theo các chuyên gia, Microsoft tiếp cận OpenAI là có chủ đích. Tập đoàn này đã dành suốt cả năm qua để đầu tư hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo — đồng thời tính phí lên các công ty non trẻ một khoản tiền tương tự khi sử dụng nền tảng đám mây của hãng. Các thỏa thuận khiến gã khổng lồ công nghệ trở thành những người “chống lưng” lớn nhất, đồng thời hưởng lợi trực tiếp nhất từ các công ty khởi nghiệp. Vốn hoá các tập đoàn có thể tăng vọt nếu các startup này thành công, hoặc nếu không, họ vẫn có thể biến một lượng lớn tiền mặt thành doanh thu.

Microsoft đã đi tiên phong trong hình thức hợp tác này cách đây 4 năm khi quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào OpenAI. Đổi lại, OpenAI đồng ý đào tạo độc quyền phần mềm của mình trên các máy chủ của mảng kinh doanh đám mây của Microsoft, Azure và phát hành sản phẩm của mình thông qua nền tảng này. 

Theo: Financial Times, WSJ

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/chuyen-gi-day-openai-sap-ipo-dam-phan-cang-thang-voi-microsoft-de-hien-thuc-hoa-ke-hoach-tai-cau-truc-260-ty-usd-a126942.html