Ngăn chặn “né” thuế từ kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án

Có ý kiến lo ngại kẽ hở cơ chế bị doanh nghiệp lợi dụng làm giảm nghĩa vụ thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư thông qua việc được bù trừ với lỗ từ các hoạt động kinh doanh khác khi tính thu nhập chịu thuế.

Ngăn chặn “né” thuế từ kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án- Ảnh 1.

Sáng 12-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi.

Theo dự thảo luật, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cho phép DN tặng tài trợ được trừ khoản tài trợ cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào chi phí khi tính thuế TNDN; đồng thời, DN nhận tài trợ được miễn thuế đối với khoản thu nhập này, không phân biệt các khoản tài trợ nhận được từ các DN độc lập bên ngoài hay là từ các DN có quan hệ liên kết.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, các khoản chi cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thường rất lớn, phạm vi rộng và hiện còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể, việc định giá theo thị trường trong các lĩnh vực này là khó khả thi.

Do đó, quy định này tiềm ẩn rủi ro bị lợi dụng để thực hiện chuyển lợi nhuận, chuyển giá, trốn thuế khi giữa DN cho và DN nhận tài trợ là các bên có quan hệ liên kết. Các nội dung này chưa được phân tích, đánh giá tác động kỹ lưỡng, nên cần được xem xét thận trọng.

Ngăn chặn “né” thuế từ kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án- Ảnh 2.

UBTVQH báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung quy định cho phép miễn thuế TNDN áp dụng cho mọi khoản tài trợ như đề xuất của Chính phủ, song đề nghị Chính phủ ban hành đầy đủ các quy định cần thiết và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận giữa các bên có quan hệ liên kết, tránh việc bị lợi dụng chính sách.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá chi tiết về các khoản tài trợ được cho - nhận giữa các bên có quan hệ liên kết; sự thay đổi về nghĩa vụ thuế TNDN và số nộp ngân sách của các đơn vị này trước và sau khi chính sách được ban hành để kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh trong trường hợp mức độ tác động là đáng kể.

Chính phủ cần ban hành đầy đủ các quy định cần thiết và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận giữa các bên có quan hệ liên kết, tránh việc bị lợi dụng chính sách.

Tương tự, về quy định cho phép DN được bù trừ lãi của hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư với lỗ từ hoạt động kinh doanh khác khi xác định thu nhập tính thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, quy định hiện hành không cho phép việc bù trừ này để bảo đảm đóng góp vào ngân sách đối với các khoản lợi nhuận lớn từ hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư của các DN.

UBTVQH nhận định, hiện các DN kinh doanh bất động sản có xu hướng kinh doanh đa ngành. Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 đã sửa đổi quy định này để tạo thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc và bảo đảm sự công bằng cho các DN kinh doanh bất động sản với các DN kinh doanh trong lĩnh vực khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đã đặt ra; tác động về số thu theo báo cáo là không đáng kể.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về rủi ro của quy định này khi thực hiện, vì có thể tạo ra cơ chế cho DN lợi dụng làm giảm nghĩa vụ thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư thông qua việc được bù trừ với lỗ từ các hoạt động kinh doanh khác (số lỗ này có thể chỉ mang tính ngắn hạn và được hạch toán lỗ có chủ đích); số liệu đánh giá theo báo cáo (trên cơ sở dữ liệu năm 2023) chưa thể hiện được sát thực tác động trên thực tế sau khi thực hiện.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị nội dung này cần được tiếp tục đánh giá kỹ hơn về tác động thực tế của chính sách khi đã đi vào thực hiện để loại trừ rủi ro lợi dụng chính sách.

“Với tinh thần ủng hộ Chính phủ trong việc tạo thuận lợi cho DN, thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 8%, UBTVQH xin báo cáo Quốc hội đồng ý với đề xuất nội dung sửa đổi này của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đạt mục tiêu, tránh việc bị lợi dụng chính sách”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Nội dung đáng lưu ý khác là thuế suất áp dụng với các DN nhỏ. Dự thảo luật đưa ra các mức thuế ưu đãi (15%, 17%) cho DN có quy mô nhỏ. Cùng với việc được hưởng thuế suất ưu đãi, các DN có quy mô nhỏ nếu đáp ứng các điều kiện về ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực thì cũng thuộc diện được áp dụng các chính sách ưu đãi theo quy định của dự thảo luật với các mức độ ưu đãi cao hơn.

Tuy nhiên, UBTVQH nhận định, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có nhiều tiêu chí để xác định loại hình và được phân chia theo lĩnh vực hoạt động. Theo các tiêu chí này, số lượng DN có quy mô nhỏ chiếm tới gần 94% tổng số DN hiện nay. Nếu sử dụng các tiêu chí này để xác định đối tượng được hưởng ưu đãi thuế thì dẫn đến tình trạng ưu đãi dàn trải, không hiệu quả.

Cơ quan thường trực của Quốc hội đề nghị, dự thảo luật chỉ sử dụng tiêu chí về doanh thu để bảo đảm sự đơn giản, thuận lợi và phù hợp với công tác quản lý thuế cũng như thông lệ chung của các nước.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/ngan-chan-ne-thue-tu-kinh-doanh-bat-dong-san-chuyen-nhuong-du-an-a126782.html