'Kỹ sư thời chuyển đổi số cần hiểu luật, biết quản trị'

Theo các chuyên gia, trong thời chuyển đổi số, các kỹ sư không chỉ cần kiến thức chuyên môn mà phải am hiểu luật, tài chính, quản trị dựa trên dữ liệu.

Tại Diễn đàn phát triển xung lực mới cho quốc gia, tổ chức chiều 7/5 ở Hà Nội, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, đánh giá nhóm nhân sự am hiểu khoa học công nghệ chuyên sâu hiện rất thiếu, cả ở khu vực công và tư.

Khu vực doanh nghiệp tư nhân thiếu người quản lý có nghề, am hiểu chuyển đổi số. Trong khi đó, khu vực công đứng trước áp lực chuyển đổi mạnh mẽ, nhưng thiếu hụt về nguồn nhân lực. "Các khái niệm như quản trị dựa trên dữ liệu, lấy người dân làm trung tâm đang được đưa ra, nhưng câu hỏi là: nguồn nhân lực nào thực hiện các chiến lược đó?", bà Thủy nêu vấn đề.

Gánh nặng chuyển đổi số đang được đặt lên vai lực lượng công nghệ thông tin. "Tuy nhiên, nhiều nơi quên nhóm kỹ sư chuyên tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ - những người vừa am hiểu nghề, vừa có kiến thức, kỹ năng công nghệ. Họ là yếu tố sống còn trong bất kỳ chuyển đổi nào", bà nhấn mạnh.

Diễn đàn phát triển xung lực mới cho quốc gia, tổ chức chiều 7/5. Ảnh: FPT

Diễn đàn phát triển xung lực mới cho quốc gia, chiều 7/5 ở Hà Nội. Ảnh: Vân Anh

Trong khi đó, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ thực tế một số địa phương đã "đánh tiếng" nhờ cung cấp "kỹ sư 57" - lực lượng giúp triển khai Nghị quyết 57 về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. "Yêu cầu đặt ra là phải đào tạo gấp, đào tạo thực tiễn, đào tạo trong thời gian chưa có tiền lệ", ông nói.

Theo ông, lực lượng "kỹ sư 57" không chỉ cần kiến thức chuyên môn, mà còn phải có hiểu biết đa dạng lĩnh vực để tham gia ngay vào chuyển đổi số cho các cơ quan, doanh nghiệp khác nhau.

Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank, cho rằng "kỹ sư 57" cần hội tụ nhiều yếu tố. Về tri thức, họ cần kiến thức nền tảng liên quan đến công nghệ như tự động hóa, dữ liệu lớn, AI, điện toán đám mây, biết ngoại ngữ để hội nhập quốc tế. "Lực lượng này cũng phải có năng lực quản trị, từ quản trị bản thân, đội nhóm đến quản trị tổ chức dựa trên dữ liệu. Họ cũng cần khả năng tự học suốt đời, thích nghi nhanh, linh hoạt với môi trường biến động", ông Tùng nhận định.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT. Ảnh: FPT

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT. Ảnh: Vân Anh

Tương tự, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT, nói "kỹ sư 57" cần có tư duy và hiểu luật, bởi ngoài những người học luật, kiến thức của phần còn lại về pháp luật khá hạn chế, thậm chí "đào tạo mãi không được".

"Ở môi trường doanh nghiệp, chúng ta có thể triển khai những thứ pháp luật không cấm, còn khi tham gia chuyển đổi số cho các cơ quan nhà nước, chỉ có thể làm những cái được làm", ông cho hay.

Kiến thức tư duy hệ thống được người đứng đầu FPT khuyến nghị đưa vào chương trình giảng dạy, vì "trước đây, chúng ta tập trung vào người dùng cuối, nhưng giờ cần mở rộng tầm nhìn, hướng đến doanh nghiệp, người dân và nhà nước".

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị ban hành tháng 12/2024, với tầm nhìn đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Một mục tiêu lớn trong Nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực, trong đó có lực lượng cán bộ, công chức và nhân viên có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở quy mô quốc gia.

"Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ. Với tốc độ phát triển như vậy, chúng ta buộc phải 'vừa chạy vừa xếp hàng', ngay cả trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo", ông Trương Gia Bình kết luận.

Trọng Đạt

Ra mắt liên minh đào tạo nhân sự thực thi Nghị quyết 57 Nvidia: Việt Nam cần hàng trăm nghìn kỹ sư AI Đà Nẵng thiếu 33.000 lập trình viên Nữ kỹ sư Việt đầu tiên trở thành chuyên gia GDE của Google

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/ky-su-thoi-chuyen-doi-so-can-hieu-luat-biet-quan-tri-a126266.html