Khuyến nghị áp thuế để giảm tiêu thụ đồ uống có đường

Tiêu thụ quá mức đồ uống có đường sẽ gây hại sức khỏe, làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác, các chuyên gia khuyến nghị áp thuế để giảm tiêu dùng.

Ngày 7/5, TS. Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viên chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), cho biết tại Việt Nam, tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng gấp 4 lần từ năm 2009 đến 2023. Trung bình mỗi người sử dụng khoảng 66 lít nước ngọt mỗi năm, đồng nghĩa với khoảng 18 gram đường từ loại đồ uống này mỗi ngày, chiếm tới 36% mức tối đa đường khuyến nghị hàng ngày của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với người trưởng thành.

Xu hướng này kéo theo hệ lụy đáng lo ngại về sức khỏe, đặc biệt ở thanh thiếu niên. Tỷ lệ thừa cân trong nhóm tuổi 15-19 đã tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% vào năm 2020, làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn liên quan đến béo phì trong tương lai. Tiến sĩ Hạnh nhấn mạnh, sử dụng thường xuyên nước giải khát chứa đường làm tăng khả năng mắc bệnh đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, huyết áp cao, sâu răng, loãng xương và béo phì, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ung thư. Cụ thể, nguy cơ mắc béo phì tăng 18%, tăng huyết áp 12%, đái tháo đường type 2 và hội chứng chuyển hóa tăng 29%.

Gánh nặng kinh tế do chi phí y tế, mất năng suất lao động và tử vong sớm từ các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh, trong khi mục tiêu chăm sóc sức khỏe quốc gia hướng tới miễn viện phí giai đoạn 2030–2035 và kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm cho mỗi người dân.

Để đạt mục tiêu giảm bệnh tật và chi phí y tế, các chuyên gia đề xuất tăng cường dự phòng, đồng thời đảm bảo nguồn ngân sách phù hợp. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt có đường, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của loại sản phẩm này, cũng như hạn chế quảng cáo hướng tới trẻ em được xem là biện pháp chủ lực.

Thực tế từ quốc tế và nghiên cứu trong nước cho thấy, tăng thuế để nâng giá bán nước ngọt lên 10% có thể giúp giảm 10–11% sản lượng tiêu thụ. Do đó, giải pháp thuế không chỉ hiệu quả tương tự biện pháp đã áp dụng với thuốc lá mà còn phù hợp với xu thế toàn cầu về phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

Đồ uống có đường làm gia tăng béo phì, tiểu đường và các bệnh không lây nhiễm. Ảnh: Prevention

Đồ uống có đường làm gia tăng béo phì, tiểu đường và các bệnh không lây nhiễm. Ảnh: Prevention

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhận định, đây là thời điểm thích hợp để áp dụng chính sách thuế với nước ngọt có đường, nếu không kiểm soát, tình trạng tiêu thụ sẽ tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe toàn dân lẫn nền kinh tế. Bà khẳng định thực tế các nước khác cho thấy lo ngại tác động kinh tế tiêu cực là không có cơ sở, bởi người tiêu dùng sẽ chuyển sang lựa chọn các loại đồ uống tốt cho sức khỏe, đồng thời doanh nghiệp cũng sẽ chủ động đổi mới sản phẩm.

WHO kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần nhanh chóng hành động, bởi hiện đã có ít nhất 108 quốc gia trên thế giới và 6 nước ASEAN áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên loại mặt hàng này. Đặc biệt, WHO khuyến nghị đưa ra lộ trình tăng thuế suất đến năm 2030 đạt 40% giá xuất xưởng, nhằm làm tăng giá bán lẻ nước ngọt ít nhất thêm 20% so với hiện tại khi đã tính yếu tố lạm phát. Biện pháp này kỳ vọng sẽ góp phần đảo chiều tốc độ tiêu thụ nước giải khát có đường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Lê Nga

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/khuyen-nghi-ap-thue-de-giam-tieu-thu-do-uong-co-duong-a126247.html