Cụm từ tưởng vô hại, hủy hoại con lúc nào không hay

Cụm từ này tưởng chừng vô hại nhưng có thể gây tổn hại cảm xúc lâu dài cho trẻ, thậm chí khiến trẻ không còn muốn mở lòng với người thân.

tri tue cam xuc anh 1

Khi nghiên cứu hơn 200 đứa trẻ, chuyên gia nuôi dạy con Reem Raouda phát hiện một cụm từ cha mẹ thường nói ra mỗi khi con trải qua một sự việc tác động đến cảm xúc. Ví dụ, khi con vừa vấp ngã hoặc cãi nhau với bạn, cha mẹ sẽ nói "không sao đâu". Cụm từ này nghe có vẻ an ủi, nhưng thực tế có thể gây tổn hại đến trẻ mà người lớn không nhận ra. Bà Raouda chỉ ra 5 lý do cụm từ này có thể gây hại cho trẻ, cụ thể như sau.

tri tue cam xuc anh 2

1. Trẻ sẽ nghi ngờ cảm xúc của mình: Khi một đứa trẻ đang buồn và nghe cha mẹ nói "không sao đâu", các em sẽ thấy hoang mang và tự cho rằng cảm xúc của bản thân không có thật. Theo thời gian, điều này có thể khiến trẻ tách rời khỏi thế giới cảm xúc nội tâm và không tin vào bản năng của chính mình, theo CNBC.

tri tue cam xuc anh 3

2. Trẻ sẽ nghĩ cảm xúc của mình bị coi nhẹ: Lúc nói "không sao đâu", có thể cha mẹ nghĩ đó là cách thể hiện tình thương với con. Nhưng thực tế, điều trẻ nghe thấy chỉ là: "Cảm xúc của con không quan trọng". Bà Reem Raouda nhấn mạnh rằng sự phủ nhận - dù tinh tế hay phũ phàng - đều gửi đến trẻ một thông điệp rằng sự an ủi và kết nối chỉ có khi các em bình tĩnh. Chính điều này về lâu dài sẽ khiến trẻ kìm nén cảm xúc và không còn muốn chia sẻ với cha mẹ.

tri tue cam xuc anh 4

3. Trẻ bị gián đoạn quá trình xử lý cảm xúc: Trẻ cần được trải qua những cảm xúc cần thiết để học cách xử lý phu hợp. Khi cha mẹ can thiệp vào quá trình tự nhiên này bằng những câu, cụm từ mang tính trấn an, trẻ sẽ bị tước đi khả năng nhận diện, gọi tên và điều tiết cảm xúc. Điều này cũng khiến con trẻ né tránh những cảm xúc vốn có trong cuộc sống.

tri tue cam xuc anh 5

4. Trẻ sẽ nghĩ tình yêu phải có điều kiện: Cha mẹ không hề nhận ra những cụm từ như "con không sao đâu", "đừng khóc nữa", "đừng sợ" khiến trẻ tin rằng các em phải kìm nén cảm xúc mới được chấp nhận. Khi trẻ nghĩ rằng tình yêu cần có điều kiện, sự an toàn về mặt cảm xúc - nền tảng thiết yếu của sức khỏe tinh thần - sẽ bắt đầu lung lay.

tri tue cam xuc anh 6

5. Trẻ sẽ thay đổi phản ứng khi căng thẳng: Hệ thần kinh của trẻ phát triển thông qua những trải nghiệm lặp đi lặp lại. Nếu một đứa trẻ buồn bã nhưng liên tục bị bác bỏ thay vì được lắng nghe, cơ thể em sẽ “học” rằng việc thể hiện cảm xúc là không an toàn. Dần dần, điều này có thể định hình lại hệ thần kinh theo cách khiến trẻ luôn chuẩn bị tinh thần cho sự ngắt kết nối, khó tin tưởng người khác, khó điều tiết cảm xúc và không cảm thấy an toàn khi là chính mình.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/cum-tu-tuong-vo-hai-huy-hoai-con-luc-nao-khong-hay-a126117.html