Nhà máy điện mặt trời có 1-0-2 trên thế giới nằm trên đường ray tàu hoả

Tham vọng của chủ nhân nhà máy điện mặt trời có 1-0-2 này là sản xuất quang năng giữa các đường ray và đưa năng lượng này trở lại để tàu hoả có thể tự hành 100%.

Trong một động thái tiên phong hướng tới năng lượng bền vững, Thụy Sĩ vừa khánh thành nhà máy điện mặt trời đầu tiên trên thế giới được lắp đặt trực tiếp trên một tuyến đường sắt đang hoạt động.

Được phát triển bởi công ty khởi nghiệp Sun-Ways của Thụy Sĩ, dự án sáng tạo này bao gồm một hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời có thể tháo rời được đặt giữa các đường ray – đánh dấu bước tiến đáng kể trong việc tích hợp năng lượng tái tạo vào cơ sở hạ tầng giao thông.

Cơ sở thí điểm, nằm gần Buttes, Val-de-Travers, bang Neuchâtel, bao gồm 100 m tuyến tính của tuyến đường sắt TransN và 48 tấm quang năng, mỗi tấm có công suất định mức 385 Watt, mang lại tổng công suất cung cấp là 18 kW.

Nhà máy điện mặt trời có 1-0-2 này dự kiến sẽ tạo ra khoảng 16 Megawatt-giờ (MWh) điện mỗi năm, với công suất sẽ được đưa vào lưới điện địa phương để cung cấp cho các hộ gia đình gần đó.

Nhà máy điện mặt trời có 1-0-2 trên thế giới nằm trên đường ray tàu hoả- Ảnh 1.

Nhà máy điện mặt trời có 1-0-2 trên thế giới nằm trên đường ray tàu hoả do công ty khởi nghiệp Sun-Ways của Thụy Sĩ phát triển. Ảnh: PV Magazine

Theo Sun-Ways, điện năng do hệ thống này tạo ra có thể được sử dụng theo 3 cách khác nhau, tùy thuộc vào cách thiết lập.

"Có 3 cách để sử dụng dòng quang năng được tạo ra: có thể đưa trở lại mạng lưới điện áp thấp (LV) của công ty đường sắt để cấp điện cho cơ sở hạ tầng đường sắt (công tắc, tín hiệu, nhà ga), cũng có thể đưa trở lại mạng lưới điện của nhà điều hành mạng lưới phân phối điện địa phương gần nhất, hoặc đưa trở lại mạng lưới năng lượng kéo cung cấp điện cho đầu máy xe lửa", công ty cho biết.

"Về lâu dài, tham vọng của chúng tôi là sản xuất quang năng giữa các đường ray và đưa năng lượng này trở lại hệ thống điện kéo của tàu để tàu có thể tự hành 100%", nhà sáng lập kiêm giám đốc của Sun-Ways, Joseph Scuderi, nói với SwissInfo.

Điều này nghĩa là, vào ban ngày, các chuyến tàu cứ chạy trong khi điện mặt trời vẫn được sản xuất từ hệ thống panel được lắp đặt vào không gian còn trống giữa các đường ray.

Việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời được thực hiện bằng máy móc, với sự hỗ trợ của một đoàn tàu đặc biệt của công ty bảo trì đường ray Thụy Sĩ Scheuchzer, đối tác của Sun-Ways trong dự án này.

Cỗ máy của Scheuchzer có khả năng lắp đặt gần 1.000 m2 tấm pin năng lượng mặt trời chỉ trong vài giờ, theo đó giúp việc lắp đặt nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.

Đáng chú ý, tính chất có thể tháo rời của các tấm pin năng lượng mặt trời là một tính năng quan trọng, cho phép bảo trì dễ dàng và đảm bảo hoạt động đường sắt không bị gián đoạn.

Các tấm pin được trang bị lớp phủ chống phản xạ để chống chói và các hệ thống vệ sinh, chẳng hạn như chổi hình trụ gắn trên tàu, giúp duy trì hiệu quả bằng cách loại bỏ bụi và mảnh vụn.

Trong 3 năm tới, Sun-Ways sẽ tiến hành các thử nghiệm toàn diện để đánh giá độ bền của các tấm pin quang năng, khả năng chống bám bẩn và tác động tổng thể của chúng đối với cơ sở hạ tầng đường sắt.

Các đánh giá này nhằm xác định tính khả thi của việc mở rộng công nghệ trên toàn bộ mạng lưới đường sắt rộng lớn của Thụy Sĩ.

Nếu mọi việc suôn sẻ, các nhà máy điện mặt trời độc đáo này có thể phủ sóng toàn bộ mạng lưới đường sắt dài 5.317 km của Thụy Sĩ và từ đó sản xuất tới 1 Terawatt-giờ (TWh) điện mỗi năm, tương đương khoảng 2% tổng nhu cầu điện của cả quốc gia vùng Alps này.

Minh Đức (Theo Clean Technica, SwissInfo)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cận cảnh chiếc phà cánh ngầm chạy điện nhanh nhất thế giớiCận cảnh chiếc phà cánh ngầm chạy điện nhanh nhất thế giới

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nha-may-dien-mat-troi-co-1-0-2-tren-the-gioi-nam-tren-duong-ray-tau-hoa-a125105.html