Đây là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Quang - Chủ tịch Hội Y học giới Tính Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức chia sẻ tại Hội nghị khoa học vô sinh hiếm muộn và bệnh lý nam khoa trong lực lượng công an nhân dân, thực trạng và hướng điều trị do Bệnh viện 19-8 tổ chức ngày 24/4 tại Hà Nội.
Nguyên nhân "đặc thù" gây vô sinh, hiếm muộn
Theo một nghiên cứu dịch tễ về bệnh lý nam khoa, vô sinh trong lực lượng công an nhân dân cho thấy có có 16% tình trạng các cặp vợ chồng mong con trên 1 năm.
Còn đối với nữ giới trong lực lượng, trong nghiên cứu với 1.000 chiến sĩ đang công tác có khoảng 6% vô sinh. Trong đó, thời gian mong con trên 2-4 năm chiếm tỉ lệ cao nhất với 48,7% và có hơn 8% mong con trên 6 năm.
Theo ông Quang theo nghiên cứu chung, tại Việt Nam có khoảng 10% các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, trong đó có cả nguyên nhân từ nam giới và nữ giới.
Đối với lực lượng công an nhân dân có những nguyên nhân "đặc thù" dẫn đến tình trạng vô sinh và các bệnh lý nam khoa.
PGS.TS Nguyễn Quang chia sẻ tại Hội nghị.
"Lực lượng này thường xuyên phải tập luyện, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, căng thẳng do phải xử lý các vụ án, duy trì trật tự, hoặc làm việc ở môi trường độc hại, sóng cao tần,…Tất cả đều có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới và nữ giới.
Trong khi đó, thực tế hiện nay việc tầm soát sức khỏe sinh sản chưa được quan tâm. Hầu hết, khám sức khỏe định kỳ thường khám toàn thân, vấn đề huyết áp, tim mạch, bệnh lý mà bỏ qua chức năng sinh sản", ông Quang nhận định.
Bác sĩ Nguyễn Trần Thành - Phó trưởng khoa phẫu thuật tiết niệu – nam khoa, Bệnh viện 19-8 cũng cho hay tỉ lệ nam giới mắc các bệnh nam khoa, vô sinh, hiếm muộn nói chung ngày càng trẻ hóa và phổ biến.
Riêng đối với lực lượng công an nhân dân hiện nay có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đặc biệt do thường xuyên làm nhiệm vụ, học tập trong điều kiện khắc nghiệt, áp lực công việc cao.
Bác sĩ Nguyễn Trần Thành thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân.
"Bên cạnh đó, nhiều chiến sĩ gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản nhưng không được thăm khám và điều trị kịp thời do đặc thù công tác. Những bệnh viện chuyên khoa thường rất đông, trong khi đó các chiến sĩ thường xuyên phải làm nhiệm vụ, khó khăn trong việc sắp xếp thăm khám", bác sĩ Thành nói.
Cần quan tâm đến sức khỏe sinh sản của chiến sĩ
Chia sẻ về vấn đề vô sinh, hiếm muộn trong lực lượng công an nhân dân, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền - Giám đốc Bệnh viện 19-8 cho hay qua hoạt động khám chữa bệnh cho thấy vô sinh nam và nữ ngày càng tăng và nhu cầu điều trị lớn.
Trong đó, tỉ lệ sinh con giảm do các cặp vợ chồng gặp nhiều áp lực công việc, nhiều người không sinh được con.
PGS. TS Hoàng Thanh Tuyền - Giám đốc Bệnh viện 19-8.
"Trong khi đó, cặp vợ chồng sinh con khỏe mạnh là giá trị tinh thần, tạo động lực rất lớn giúp các chiến sĩ an tâm công tác. Bệnh viện dự kiến sẽ thành lập trung tâm vô sinh, hiếm muộn để đáp ứng nhu cầu của chiến sĩ. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu những chính sách để hỗ trợ các chiến sĩ vô sinh, hiếm muộn, mắc các bệnh lý sinh sản để có thể làm cha mẹ như mong muốn", ông Tuyền nói.
Bác sĩ Thành cũng cho hay theo khảo sát của bệnh viện có tới hơn 50% chiến sĩ mong muốn bệnh viện của Bộ Công an có trung tâm hỗ trợ sinh sản để đáp ứng nhu cầu điều trị cho cán bộ và người dân.
Đồng thời, tăng cường khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám sức khỏe sinh sản định kỳ để phát hiện, điều trị sớm các bệnh lý.
Theo lãnh đạo bệnh viện, Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người mang gen thalassemia, khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh thalassemia, 800 trẻ không thể ra đời do phù thai; với tỉ lệ người mắc bệnh khoảng 1-2% dân số.
Vì vậy, việc sàng lọc và chẩn đoán sớm giúp giảm tỉ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh thalassemia thể nặng. Góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa và quản lý bệnh thalassemia, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ chiến sĩ, người dân và giảm gánh nặng về y tế cho xã hội, cho lực lượng công an nhân dân.
Thanh Lam
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/bac-si-chi-ra-loat-nguy-co-dac-thu-gay-vo-sinh-hiem-muon-a124799.html