Một trong những tình tiết gây ám ảnh và nhiều suy ngẫm trong Tây du ký là việc Sa Tăng, một trong ba đồ đệ của Đường Tăng, từng ăn thịt người khi còn ở dưới trần gian. Ít ai biết rằng, đằng sau hành vi tưởng như tàn ác ấy là một bi kịch sâu sắc gắn với quá khứ của vị thần từng giữ chức cao trên Thiên đình.
Trong hồi thứ 8 của tiểu thuyết, khi Phật Tổ Như Lai tổ chức hội "Vu lan bồn" tại Linh Sơn, quy tụ các chư Phật, Bồ Tát và A La Hán, Ngài tuyên bố truyền Tam Tạng chân kinh sang phương Đông, tức Nam Thiệm Bộ Châu, để phổ độ chúng sinh. Chuyến đi này được giao phó cho Quan Âm Bồ Tát tìm người thỉnh kinh và hộ tống bộ kinh về.
Sa Tăng ăn thịt người vì đói khát sau khi bị đày xuống trần gian.
Phật Tổ Như Lai căn dặn kỹ lưỡng rằng người đi thỉnh kinh phải đi bằng đường bộ, quan sát rõ núi sông, ghi nhớ đường sá để truyền lại cho hậu thế. Ngài còn trao cho Quan Âm Bồ Tát năm món bảo bối, trong đó có một tấm áo cà sa gấm và cây tích trượng 9 vòng, để người thỉnh kinh sử dụng và tránh mọi tai ương.
Trên hành trình tìm người thỉnh kinh, Quan Âm Bồ Tát dẫn theo Huệ Ngạn Hành Giả Mộc Tra, con trai thứ hai của Lý Thiên Vương với vai trò là lực sĩ hàng yêu. Khi đi qua một khúc sông, họ bị một yêu quái từ dưới nước lao lên tấn công. Đó chính là Sa Tăng. Sau trận giao đấu với Mộc Tra, biết được Quan Âm Bồ Tát đang hiện diện, Sa Tăng lập tức lên bờ, phủ phục bái kiến và kể rõ thân phận cùng nỗi khổ của mình.
Theo lời Sa Tăng, hắn vốn là Quyển Liêm Đại Tướng trên thiên giới, từng làm nhiệm vụ hộ vệ Linh Tiêu Bảo Điện. Trong một lần dự Hội Bàn Đào, Sa Tăng vô ý làm vỡ chén Lưu Ly của Ngọc Đế. Vì lỗi này, hắn bị Ngọc Hoàng trừng phạt 800 trượng rồi giáng xuống trần gian, lưu đày dưới một khúc sông hoang vu.
Sa Tăng giải bày rằng khi bị đày hạ phàm, hắn chịu cảnh đói khát đến mức buộc phải ăn thịt người để sinh tồn. Đây không phải do lòng dạ tàn ác, mà là do hoàn cảnh đẩy đưa, hắn chỉ mong có cơ hội chuộc lại lỗi lầm, được giải thoát khỏi kiếp nạn đọa đầy.
Cảm thông với nỗi khổ và thành tâm sám hối của Sa Tăng, Quan Âm Bồ Tát truyền dạy: "Ta nhận sắc lệnh Phật Tổ tìm người thỉnh kinh. Nay ta cho ngươi ở lại nơi đây, đợi người thỉnh kinh đến thì theo về Tây Trúc thỉnh kinh. Nếu ngươi hết lòng lập công chuộc tội, sau này sẽ được phục chức cũ".
Sa Tăng vâng lời chấp nhận cải tà quy chính theo đường tu hành, được Quan Âm Bồ Tát đặt cho ông cái tên là Sa Ngộ Tịnh (có bản dịch là Sa Ngộ Tĩnh).
Quốc Tiệp (t/h)
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tay-du-ky-ly-do-khien-sa-tang-buoc-phai-an-thit-nguoi-a124696.html