Nhà sáng lập Telegram Pavel Durov đã bình luận về những diễn biến gần đây trong lĩnh vực lập pháp tại Pháp và Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến truyền thông được mã hóa, bày tỏ lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn đối với quyền riêng tư của người dùng.
Nhà sáng lập kiêm CEO của Telegram, Pavel Durov, gần đây tuyên bố rằng ứng dụng này sẽ rời khỏi thị trường Pháp nếu chính quyền sở tại tiếp tục thúc ép việc cấp quyền truy cập vào nền tảng này bằng "cửa sau" (backdoor).
Là người ủng hộ trung thành đối với quyền riêng tư kỹ thuật số, ông Durov cho biết trên nền tảng mạng xã hội X hôm 21/4: "Telegram thà rời khỏi thị trường còn hơn làm suy yếu mã hóa bằng backdoor".
Nhà sáng lập Telegram Pavel Durov. Ảnh: Kazinform
Tháng trước, Thượng viện Pháp đã thông qua một điều khoản yêu cầu các ứng dụng nhắn tin hàng đầu phải triển khai "cửa sau" – cấp cho cơ quan thực thi pháp luật quyền truy cập vào các thông tin liên lạc được mã hóa.
Mặc dù Quốc hội (Hạ viện) Pháp cuối cùng đã bác bỏ biện pháp này, nhưng cuộc tranh luận đã nổi lên gần đây khi Cảnh sát trưởng Paris kêu gọi xem xét lại.
Trong bài đăng trên Telegram của mình, ông Durov đã ca ngợi quyết định của Quốc hội Pháp, đồng thời nêu ra sự nguy hiểm của backdoor.
"Về mặt kỹ thuật, không thể đảm bảo rằng chỉ cảnh sát mới có thể truy cập vào backdoor", ông Durov viết. "Một khi đã được mở, backdoor có thể bị các bên khác khai thác – từ các đặc vụ nước ngoài đến tin tặc. Do đó, tin nhắn riêng tư của tất cả công dân tuân thủ pháp luật đều có thể bị xâm phạm".
Ông cũng lưu ý rằng biện pháp này cũng sẽ không thể giúp ích trong việc hạn chế hoạt động tội phạm vì những kẻ xấu có thể chỉ cần chuyển sang các nền tảng nhỏ hơn, ít bị phát hiện hơn với mã hóa mạnh.
"Đây là lý do tại sao, như tôi đã nói trước đây, Telegram thà rời khỏi thị trường còn hơn phá hoại mã hóa bằng backdoor", ông nói.
Cuộc tranh luận về mã hóa không chỉ giới hạn ở Pháp. Các chính phủ trên khắp thế giới vẫn đang vật lộn với căng thẳng giữa an ninh quốc gia và quyền riêng tư của cá nhân.
Ông Durov cũng đề cập đến sáng kiến ProtectEU gần đây của Ủy ban châu Âu, sáng kiến này đề xuất lộ trình cho quyền truy cập hợp pháp vào dữ liệu được mã hóa vào năm 2026.
"Theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của EU, nếu được cung cấp lệnh của tòa án hợp lệ, Telegram sẽ tiết lộ địa chỉ IP và số điện thoại của nghi phạm hình sự", vị CEO cho biết.
"Chúng tôi phải tiếp tục giải thích với các nhà lập pháp rằng mã hóa không được xây dựng để bảo vệ tội phạm – nó bảo vệ quyền riêng tư và sự an toàn của những người bình thường. Việc mất đi sự bảo vệ đó sẽ là một thảm kịch", ông Durov nói thêm.
Minh Đức (Theo Anadolu, CCN)
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/telegram-tuyen-bo-se-roi-khoi-phap-neu-bi-ep-lam-dieu-nay-a124690.html