Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (UTI) là tình trạng viêm nhiễm ở bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu gồm thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo. Đây là bệnh phổ biến, nhất là ở nữ giới. ThS.BS. Cao Vĩnh Duy, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, dẫn một số nghiên cứu cho thấy khoảng 50% phụ nữ sẽ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu vào một thời điểm nào đó trong đời.
Ở phụ nữ, các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường gặp là viêm bàng quang, viêm thận bể thận cấp. Ở nam giới thường là viêm niệu đạo hoặc viêm tuyến tiền liệt. Trong đó, nhiễm khuẩn ở bàng quang gây ra đau đớn, nguy hiểm hơn có thể lây lan đến thận - loại nhiễm khuẩn khó điều trị nhất, theo bác sĩ Duy.
Dưới đây là 7 dấu hiệu cảnh báo UTI mà người bệnh nên chú ý.
Tiểu buốt, tiểu rát là dấu hiệu phổ biến nhất. Khi nhiễm khuẩn đường tiểu dưới, vi khuẩn gây viêm kích thích bàng quang, tạo cảm giác đau rát khi đi tiểu.
Nước tiểu có mùi hôi hoặc cặn đục cảnh báo cơ thể đang nhiễm khuẩn. Vi khuẩn trong đường tiểu gây ra mùi hôi và làm thay đổi màu sắc nước tiểu.
Tiểu ra máu là dấu hiệu nghiêm trọng của nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Máu khiến nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng.
Đau khi quan hệ tình dục do vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, bàng quang gây kích ứng, viêm nhiễm.
Đau vùng bụng dưới hoặc lưng xảy ra nếu nhiễm khuẩn lan đến thận (viêm thận) gây ra các cơn đau dữ dội.
Sốt và gai người (ớn lạnh) cũng cho thấy tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu nghiêm trọng, đặc biệt đã lan đến thận.
Buồn nôn và nôn là triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh ở tình trạng nặng hoặc gây ra các biến chứng. Người bệnh còn có cảm giác mệt mỏi hoặc suy nhược kéo dài, kèm theo các triệu chứng khác như sốt và đau. Nữ giới có thể bị đau ở vùng chậu, nam giới đôi khi đau trực tràng.
Khi gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên, bác sĩ Duy khuyến cáo người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ khám, xét nghiệm và kiểm tra kịp thời, nhất là khi bị sốt cao, đau vùng bụng dưới hoặc lưng dữ dội, tiểu ra máu hoặc nôn ói. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm khuẩn lan đến thận gây nguy hiểm hoặc có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, dễ dẫn tới tử vong.
Bác sĩ Duy (phía trước) trong một ca phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Để bảo vệ sức khỏe đường tiết niệu, mọi người nên uống đủ nước mỗi ngày, đi tiểu ngay khi có nhu cầu. Bổ sung các thực phẩm lành mạnh, có khả năng chống nhiễm khuẩn như trái nam việt quất, tỏi, trái cây có múi (cam, quýt, bưởi), kiwi... Vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Đi tiểu và uống một cốc nước đầy ngay sau khi quan hệ tình dục để loại bỏ vi khuẩn. Khám hệ tiết niệu định kỳ để kịp thời phát hiện bất thường trong cơ thể.
Hà Thanh
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/7-dau-hieu-canh-bao-nhiem-khuan-duong-tiet-nieu-a124674.html