Lưỡi câu 5 cm móc vào gáy bé trai

TP HCMBé Trung, 11 tuổi, đi câu cá bị lưỡi câu móc vào sau gáy chảy máu.

BS.CKI Lê Mạnh Hùng, khoa Cấp cứu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết bé được đưa đến cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn, lưỡi câu dài khoảng 5 cm đâm vào phần gáy. May mắn bé chỉ bị chấn thương phần mềm, móc câu chưa đâm vào sọ não.

Bé được bác sĩ gây tê rồi rạch một đường và lấy lưỡi câu ra, sau đó vệ sinh vết thương, khâu lại. Bệnh nhi được tiêm ngừa uốn ván, xuất viện trong ngày.

Hình ảnh chụp X-quang cho thấy móc câu đâm vào gáy bệnh nhi. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Hình ảnh chụp X-quang cho thấy móc câu đâm vào gáy bệnh nhi. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Các vết thương hở ở trẻ như trầy xước, rách hở da không được cấp cứu, xử lý kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến bệnh uốn ván. Vi khuẩn gây bệnh tiềm ẩn trong đất, phân động vật, cống rãnh, xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở sẽ khiến trẻ bị nhiễm trùng, bệnh uốn ván, viêm mô tế bào...

Vết thương do vật nhọn đâm cần được sơ cứu đúng cách. Khi trẻ bị thương, bác sĩ Hùng khuyên phụ huynh không nên cố rút vật nhọn ra để tránh làm vết thương trầm trọng, dẫn tới chảy nhiều máu. Nên dùng một miếng gạc vô trùng bọc xung quanh, hạn chế tối đa vận động mạnh, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu kịp thời.

Các vật nhọn như lưỡi câu, đinh, ghim... có thể khiến trẻ bị thương. Ảnh minh họa: Đình Lâm

Các vật nhọn như lưỡi câu, đinh, ghim... có thể khiến trẻ bị thương. Ảnh minh họa: Đình Lâm

Trường hợp vật nhọn ngắn có thể rút ra trực tiếp thì nên rửa tay trước khi chạm vào, đồng thời làm sạch vết thương dưới vòi nước hoặc nước muối, sau đó lau khô và che phủ lại. Người bị thương xuất hiện một hay nhiều triệu chứng như khó nuốt, cứng hàm, co giật mạnh, khó thở, tím tái, cần nhanh chóng đến bệnh viện.

Đình Lâm

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/luoi-cau-5-cm-moc-vao-gay-be-trai-a124666.html