Bộ Y tế 'chặn' thuốc đi lậu qua Shopee và các nền tảng mạng xã hội

Trước thực trạng thuốc – bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) vừa có động thái mới.

Theo đó, Cục đã đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) như Meta Platforms Inc., Công ty TNHH Shopee cùng một số nền tảng có hoạt động bán hàng trực tuyến, triển khai biện pháp kiểm soát và ngăn chặn triệt để các hành vi buôn bán thuốc vi phạm quy định pháp luật.

Cục Quản lí Dược nhấn mạnh, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và duy trì nguồn cung thuốc chất lượng, các Sở Y tế địa phương cần chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh dược trên địa bàn. Trong đó, tập trung kiểm tra việc tuân thủ các quy định chuyên môn, pháp luật của các cơ sở kinh doanh thuốc.

Một trong những điểm nhấn là việc siết chặt hoạt động bán lẻ thuốc, đặc biệt là tình trạng kinh doanh tại địa điểm không được cấp phép hoặc ngoài phạm vi ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Các hình thức mua bán thuốc trực tuyến - trong đó có các loại thuốc kê đơn và thuốc phải kiểm soát đặc biệt - nếu không tuân thủ quy định, sẽ bị xử lí nghiêm minh.

Kiểm soát chặt chuỗi cung ứng

Công văn cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật cho các cơ sở kinh doanh dược. Nội dung phổ biến bao gồm các nguyên tắc “Thực hành tốt” trong bảo quản và phân phối thuốc, như kiểm soát chất lượng, hạn dùng và xuất xứ thuốc trước khi đưa ra thị trường.

Các cơ sở cũng cần kiểm tra kĩ hồ sơ pháp lí của nhà cung cấp và khách hàng; chỉ giao dịch với những đơn vị có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, đúng phạm vi được cấp phép. Đồng thời, cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc mua bán thuốc kê đơn, thuốc kiểm soát đặc biệt.

Bộ Y tế 'chặn' thuốc đi lậu qua Shopee và các nền tảng mạng xã hội- Ảnh 1.

Thuốc giả bị thu hồi

Cục Quản lí Dược cũng khuyến cáo người dân chỉ nên mua thuốc tại các nhà thuốc hợp pháp, có đầy đủ thông tin về nguồn gốc và hạn dùng. Tuyệt đối không mua thuốc qua các kênh không rõ ràng như mạng xã hội hoặc từ các cá nhân không được cấp phép.

Ở góc độ quản lí chuyên môn, TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lí Khám, chữa bệnh ( Bộ Y tế ) khẳng định những vấn đề nhức nhối như thuốc giả, sữa giả vẫn tồn tại và có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điều trị, an toàn của người bệnh. Theo ông, việc những sản phẩm này có thể “lọt cửa” vào bệnh viện hay không, phụ thuộc phần lớn vào năng lực quản trị nội bộ. “Giám đốc bệnh viện là người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện trong việc kiểm soát kê đơn, bán thuốc, sử dụng vật tư, dịch vụ y tế trong bệnh viện”, ông Đức nhấn mạnh.

Đề xuất sửa đổi quy định xử phạt

Bộ Y tế cũng đang rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó sẽ bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ hoặc bán thuốc qua mạng internet, mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực dược.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 41/CĐ-TTg về xử lí vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công thương đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả lưu thông trên thị trường.

Bộ Y tế 'chặn' thuốc đi lậu qua Shopee và các nền tảng mạng xã hội- Ảnh 2.

Công an thu hồi thuốc giả.

Chia sẻ với báo chí về nội dung triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ, TS Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lí dược, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, đấu tranh phòng chống thuốc giả, Bộ Y tế đang tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định việc kinh doanh thuốc online; rà soát, xây dựng các cơ chế và phân công trách nhiệm rõ ràng của các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế trong việc kiểm soát thuốc sản xuất, lưu hành thuốc nói chung và việc quảng cáo, kinh doanh thuốc qua mạng internet.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phối hợp với truyền thông để cung cấp thông tin về thuốc giả để người dân biết và không sử dụng; thay đổi thói quen của người bệnh về việc tự mua thuốc và điều trị.

“Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, trở thành người mua sắm thông thái, góp phần cùng cơ quan quản lí đẩy lùi thuốc giả, thuốc kém chất lượng và hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực dược," đại diện Cục Quản lí Dược nhấn mạnh.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/bo-y-te-chan-thuoc-di-lau-qua-shopee-va-cac-nen-tang-mang-xa-hoi-a124571.html