Thận giúp điều chỉnh nồng độ pH máu, cân bằng điện giải, sản xuất hormone điều hòa huyết áp, cải thiện mật độ xương và kiểm soát sản xuất hồng cầu. ThS.BS.CKII Hà Tuấn Hùng, khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thận suy yếu không thể thực hiện được chức năng, dẫn tới ứ trệ các chất độc làm tổn thương thận và tác động đến các cơ quan khác trong cơ thể. Mọi người có thể phòng ngừa các bệnh về thận thông qua thay đổi lối sống và thực hiện thói quen lành mạnh mỗi ngày.
Duy trì cân nặng phù hợp
Thừa cân và béo phì làm tăng áp lực lên thận, có nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường và cao huyết áp - hai nguyên nhân hàng đầu gây suy thận. Do đó, mọi người nên giữ mức cân nặng hợp lý bằng cách kết hợp chế độ ăn uống cân bằng và tập luyện.
Quản lý đường huyết
Người bệnh tiểu đường hoặc lượng đường trong máu cao có nguy cơ bị tổn thương thận. Đường huyết cao có thể khiến các mạch máu bên trong thận bị hẹp và tắc nghẽn, gây tổn thương mạch máu và ảnh hưởng tới chức năng thận. Người bệnh tiểu đường nên ăn uống lành mạnh, tập thể dục và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ để kiểm soát lượng đường trong máu.
Kiểm soát huyết áp
Huyết áp cao diễn ra âm thầm và thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi tổn thương xảy ra. Phòng cao huyết áp bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn ít chất béo và muối, hạn chế sử dụng chất kích thích như bia rượu... Người bệnh nên theo dõi chỉ số bằng cách đo huyết áp mỗi ngày, dùng thuốc hay thay đổi lối sống theo tư vấn của bác sĩ.
Theo bác sĩ Hùng, thời gian tốt nhất để đo huyết áp là vào buổi sáng và tối, trong trạng thái thư giãn. Mức huyết áp lý tưởng là dưới 120/80 mmHg với người khỏe mạnh và dưới 130/80 mmHg ở người mắc tiểu đường hoặc suy thận.
Hạn chế bia rượu
Rượu bia có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho thận nếu sử dụng quá mức. Chúng khiến cơ quan này phải làm việc quá tải để lọc độc tố, dẫn đến tổn thương lâu dài. Rượu bia còn gây mất cân bằng nước và điện giải, tăng nguy cơ suy thận, nhất là ở người bị cao huyết áp hoặc tiểu đường, bệnh gan.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, kiểm soát huyết áp và cholesterol, tăng cường sức mạnh và sức bền, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh tim, thận, tiểu đường, tăng huyết áp. Vận động cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ chức năng thận hiệu quả, cải thiện sức khỏe tổng thể và tăng cường sức đề kháng. Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, chọn các môn như đi bộ, chạy bộ và bơi lội tốt cho tim mạch.
Ăn uống lành mạnh
Đây là cách để cơ thể nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng và chất xơ cần thiết. Hạn chế tiêu thụ nhóm thực phẩm chứa nhiều glucose, dầu mỡ, bơ thực vật, đồ ăn chế biến sẵn vì chứa nhiều muối, các chất béo bão hòa gây rối loạn chuyển hóa. Thay vào đó ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, protein và chất béo lành mạnh để bảo vệ sức khỏe. Người bệnh thận cần hạn chế protein, natri và phốt pho để giảm gánh nặng lên thận.
Bác sĩ Hùng gợi ý thực phẩm chứa hàm lượng natri thấp như súp lơ, việt quất, cá biển hay ngũ cốc, thịt cá nạc có giá trị sinh học cao tốt cho người suy thận. Bác sĩ sử dụng protein từ thực vật hay động vật phụ thuộc chế độ ăn, thói quen ăn uống theo từng người bệnh. Tuy nhiên, ưu tiên các loại sản phẩm ít phốt pho, kali, natri, chất béo bão hòa, glucose để bảo vệ sức khỏe cho thận.
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp cơ thể nhận đầy đủ chất dinh dưỡng. Ảnh: Lam Anh
Không hút thuốc
Hút thuốc lá có thể gây tổn thương mạch máu, làm suy giảm khả năng lọc máu của thận và tăng nguy cơ mắc các bệnh thận mạn tính. Bỏ thuốc lá không chỉ giúp bảo vệ thận mà còn cải thiện sức khỏe tim mạch, phổi và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác.
Quản lý căng thẳng
Stress kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Dành thời gian cho các hoạt động thư giãn như thiền định và các môn giải trí nhẹ nhàng. Những hoạt động này giúp giảm căng thẳng, cải thiện tâm lý và hỗ trợ bảo vệ thận.
Uống đủ nước
Nước giúp loại bỏ các loại độc tố khỏi thận và duy trì sự cân bằng điện giải trong cơ thể. Uống đủ nước cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính, nhất là bệnh thận do sỏi tiết niệu. Lượng nước khuyến nghị là khoảng 2-3 lít mỗi ngày, tùy nhu cầu của cơ thể hoặc xem xét màu nước tiểu vàng nhạt. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước có thể gây áp lực không cần thiết lên thận, nên duy trì ở mức hợp lý.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Bác sĩ Hùng cho hay thông thường bệnh thận ở giai đoạn sớm không có triệu chứng, chỉ có thể phát hiện tình cờ qua xét nghiệm máu và nước tiểu. Các dấu hiệu ban đầu của bệnh thận cũng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, khiến người bệnh dễ dàng bỏ qua, khiến tình trạng tổn thương thận tiến triển nặng và khó phục hồi. Khám sức khỏe là cách hiệu quả để phát hiện sớm các dấu hiệu suy thận và các bệnh lý liên quan, nhất là ở nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, tiểu đường hoặc cao huyết áp hoặc gia đình có người mắc các bệnh lý thận mạn tính.
Khám sức khỏe định kỳ bao gồm xét nghiệm máu và nước tiểu, đo huyết áp định kỳ, siêu âm giúp bác sĩ chẩn đoán sớm tình trạng bệnh và điều trị. Người có các triệu chứng như tiểu đêm nhiều, tiểu ít hoặc tiểu ra máu, sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc bàn tay và cảm giác mệt mỏi kéo dài, chán ăn, khó tập trung... nên đi khám sớm.
Hằng Trần
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nhung-thoi-quen-giup-bao-ve-than-a124404.html