Ngày 21/4, theo bác sĩ Nguyễn Lương Tấn, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, đơn vị đã cứu sống bệnh nhân mắc huyết khối hiếm gặp ở động mạch chủ bụng và động mạch thận.
Ê-kíp y bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật cực kỳ khó trong y học, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, phán đoán chính xác và can thiệp kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Mai (50 tuổi, trú xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam trong tình trạng đau dữ dội hai chân, tê buốt, đi lại hạn chế.
Đây là một trong những ca phẫu thuật khó và nguy cấp nhất mà ê-kíp từng thực hiện.
Trước đó, bà từng phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ bụng năm 2020 và đã điều trị nội khoa tại một bệnh viện lớn ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng bệnh không cải thiện.
Kết quả chụp CT tại bệnh viện cho thấy tình trạng nghiêm trọng hơn rất nhiều: động mạch chủ bụng của bà đã tắc hoàn toàn bởi huyết khối, lan rộng từ trên nhánh động mạch thận đến tận hai động mạch chậu.
Đặc biệt, huyết khối xâm lấn cả hai động mạch thận, khiến hai quả thận rơi vào tình trạng nhồi máu – một biến chứng hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm, có thể nhanh chóng dẫn đến suy thận, nhiễm độc toàn thân và tử vong.
Trước nguy cơ mất cả hai thận và tính mạng bị đe dọa từng giờ, bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu. Đây là ca phẫu thuật được đánh giá đặc biệt khó không chỉ bởi phạm vi huyết khối lớn, lấn sâu vào vùng mạch máu sống còn, mà còn vì bà Mai có nhiều bệnh nền nguy hiểm: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn đông máu do đột biến gen – khiến nguy cơ chảy máu, suy cơ quan sau mổ rất cao.
Dưới sự chỉ đạo và trực tiếp thực hiện của bác sĩ Nguyễn Lương Tấn, ê-kíp phẫu thuật đã phải chạy đua với thời gian, mở bụng lấy toàn bộ huyết khối khỏi động mạch chủ bụng, đồng thời can thiệp làm sạch hai động mạch thận đang bị đe dọa. Mỗi thao tác đều cần sự chính xác tuyệt đối, chỉ một sai sót nhỏ có thể khiến bệnh nhân không qua khỏi.
Đây là một trong những ca phẫu thuật khó và nguy cấp nhất mà ê-kíp từng thực hiện. Bệnh nhân không chỉ có tổn thương hiếm gặp mà còn mang nhiều nguy cơ biến chứng nặng sau mổ," bác sĩ Tấn cho biết.
Sau nhiều giờ phẫu thuật căng thẳng, huyết khối được lấy ra thành công, dòng máu nuôi cơ thể và hai quả thận được tái thông.
Bà Mai hồi phục kỳ diệu, các chỉ số sinh tồn ổn định, chức năng thận dần cải thiện. Chỉ hơn 2 tuần sau mổ, bà đi lại được, ăn uống bình thường.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/ca-phau-thuat-can-nao-cuu-song-nguoi-phu-nu-co-huyet-khoi-lan-vao-hai-dong-mach-than-a124373.html