![]() |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: sundayvision.co.ug/TTXVN. |
Ukraine gần như đã sẵn sàng chấp thuận một đề xuất hòa bình từ Mỹ nhằm chấm dứt cuộc xung đột toàn diện với Liên bang Nga Nga, với các cuộc đàm phán ngừng bắn tiềm năng giữa Washington và Moskva (Moscow) dự kiến sẽ diễn ra tại London (Anh) vào tuần tới.
Báo The Kyiv Post ngày 19/4 cho biết một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói với tờ The New York Post hôm thứ Sáu (18/4), rằng Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Rustem Umerov, đã thông báo với các đối tác phía Mỹ rằng Kyiv đã “đồng thuận đến 90%” với khuôn khổ hòa bình được trình bày tại Paris bởi Ngoại trưởng Marco Rubio và hai đặc phái viên.
Kế hoạch hiện phụ thuộc vào việc liệu Liên bang Nga có đồng ý tham gia hay không. “Tuần tới tại London, chúng tôi muốn đưa ra quyết định về một lệnh ngừng bắn toàn diện và đầy đủ”, quan chức này cho biết, đồng thời nhấn mạnh: “Mục tiêu sau đó là có (cuộc thảo luận) với phía Liên bang Nga rồi nói rằng: ‘Đây là đề nghị tốt nhất và cuối cùng của các bên,’ để xem lập trường của hai phía là gì’”.
“Và khi chúng tôi có được điều đó, các bước tiếp theo sẽ được xác định”, quan chức này nói thêm, đồng thời cảnh báo rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng rút lui nếu Moskva từ chối tham gia – để lại việc dẫn dắt cho các đồng minh châu Âu.
Mặc dù Ukraine vẫn chưa chính thức phê duyệt thỏa thuận, nhưng Bộ trưởng Umerov và nhóm của ông được cho là đang xử lý những lo ngại cuối cùng, bao gồm cách định nghĩa quyền kiểm soát lãnh thổ trong một lệnh ngừng bắn.
“Tôi nghĩ một phần lo ngại của họ là về lãnh thổ… cụ thể là sự khác biệt giữa cái gọi là ‘de jure’ (theo pháp lý) và ‘de facto’ (trên thực tế)”, quan chức này nói.
“‘De facto’ nghĩa là chúng tôi công nhận rằng Liên bang Nga đang chiếm đóng vùng đất này, nhưng không nói rằng (Ukraine) sẽ từ bỏ vĩnh viễn. ‘De jure’ thì có nghĩa là chúng tôi chính thức thừa nhận rằng (Liên bang Nga) đã chiếm vùng lãnh thổ này và chúng tôi sẽ không bao giờ lấy lại được”, quan chức này giải thích.
Theo bài báo, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tuyên bố rằng Ukraine sẽ không bao giờ công nhận việc Liên bang Nga kiểm soát các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, song ông cũng cho thấy thiện chí đóng băng cuộc chiến tại đường ranh giới hiện tại – khi Liên bang Nga đang chiếm khoảng 20% lãnh thổ Ukraine.
Để lôi kéo Moskva vào bàn đàm phán, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ, ông Steve Witkoff có thể sẽ đưa ra các ưu đãi, bao gồm giảm trừng phạt và khả năng giải phóng 300 tỷ USD tài sản của Liên bang Nga hiện đang bị phong tỏa tại Brussels.
“Củ cà rốt, đối với Moskva, là một cái nhìn vào việc: ‘Làm thế nào để chúng tôi có thể giảm các lệnh trừng phạt đang áp dụng với Nga?’”, quan chức này cho biết.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cảnh báo rằng cách tiếp cận này mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của ông Trump rằng sẽ tăng cường áp lực với Điện Kremlin.
Ông Alex Plitsas, nghiên cứu viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, cảnh báo rằng việc cắt viện trợ từ Mỹ sẽ gửi đi thông điệp về sự thất bại của cả Ukraine và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có thể dẫn đến các đợt tấn công tiếp theo của Liên bang Nga.
Hiện không có cuộc thảo luận nghiêm túc nào trong Nhà Trắng hoặc Quốc hội Mỹ về gói viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine, trong khi các gói viện trợ còn lại từ thời chính quyền Biden đang dần cạn kiệt.
Theo báo The New York Times, ngay cả khi sự hỗ trợ hiện tại đang cạn dần, cả chính quyền lẫn Quốc hội Mỹ đều không chủ động xúc tiến nguồn tài trợ mới, làm dấy lên lo ngại trong các đồng minh của Kyiv.
Các quan chức châu Âu cũng cho biết họ chưa nhận được đảm bảo nào về việc Mỹ sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo quan trọng với Ukraine.
Một nguồn tin thân cận với chính phủ Ukraine nói với Axios rằng họ lo sợ việc ông Trump rút khỏi đàm phán có thể dẫn đến việc Mỹ đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine.
Theo Axios, ông Trump đang ngày càng thất vọng vì các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ. Trong khi gây áp lực buộc Ukraine phải chấp nhận lệnh ngừng bắn, các quan chức Mỹ được cho là đã né tránh việc cứng rắn hơn với Moskva.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/ukraine-da-dong-y-90-voi-thoa-thuan-hoa-binh-do-my-lam-trung-gian-a124283.html