![]() |
Mark Zuckerberg rời tòa án liên bang tại Washington ngày 15/4. Ảnh: New York Times. |
Trong ngày thứ 2 của phiên tòa chống độc quyền, CEO Mark Zuckerberg kiên quyết bảo vệ động thái mua lại Instagram vào năm 2012 của Meta. Ông cho rằng đây là hoạt động kinh doanh thông thường của giới công nghệ.
Theo New York Times, đây là phiên tòa mang tính bước ngoặt bởi nếu thành công, cơ quan quản lý có thể yêu cầu thẩm phán chia tách Meta, công ty sở hữu mạng xã hội Facebook.
Một ngày trước, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã mở phiên tòa chống độc quyền đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Cơ quan này cho rằng các thương vụ thâu tóm giúp tăng cường sức mạnh cho Meta, tước đi quyền lựa chọn của người dùng và loại bỏ đối thủ cạnh tranh.
Trọng tâm xoay quanh Instagram và WhatsApp
Tại phiên tòa, Zuckerberg cho rằng doanh nghiệp công nghệ thường cân nhắc lợi ích và chi phí, giữa việc phát triển sản phẩm mới so với mua lại startup cung cấp sản phẩm phù hợp.
Khi Instagram cạnh tranh với ứng dụng Camera của Facebook (hiện không còn tồn tại), Zuckerberg cho biết công ty đã phân tích giữa phát triển mới hoặc mua lại nền tảng. Cuối cùng, công ty quyết định thâu tóm Instagram.
Zuckerberg là nhân chứng của phiên tòa chống độc quyền, nơi chính phủ Mỹ cáo buộc Meta vi phạm luật cạnh tranh khi mua lại WhatsApp và Instagram theo chiến lược “mua lại hoặc chôn vùi”.
CEO Meta dành hơn 7 giờ trả lời các câu hỏi từ luật sư Tòa án Quận tại Columbia, xoay quanh việc thâu tóm để loại bỏ đối thủ.
Vụ kiện của FTC là mối đe dọa nghiêm trọng đến Meta. Cơ quan này đã yêu cầu Thẩm phán James E. Boasberg, chủ tọa phiên tòa, tuyên bố Meta có tội do duy trì thế độc quyền trên thị trường mạng xã hội một cách bất hợp pháp.
Năm 2012, Meta mua Instagram với giá 1 tỷ USD. Chỉ 2 năm sau, công ty tiếp tục thâu tóm WhatsApp với giá 19 tỷ USD. Nếu thua kiện, Meta đối diện nguy cơ phải bán 2 ứng dụng này.
![]() |
Mark Zuckerberg rời phiên tòa ngày 15/4. Ảnh: Bloomberg. |
Bản thân Zuckerberg từng nghĩ đến viễn cảnh chia tách. Các luật sư của FTC trình bày email được ông viết vào năm 2018 cho ban lãnh đạo, cảnh báo các vụ việc chống độc quyền có thể định hình lại hoạt động kinh doanh của Meta.
“Khi lời kêu gọi chia tách công ty công nghệ lớn ngày càng gia tăng, khả năng không nhỏ chúng ta sẽ phải tách Instagram, và có lẽ là cả WhatsApp, trong 5-10 năm tới”, Zuckerberg viết.
Giải thích trước tòa ngày 15/4, Zuckerberg cho rằng thời điểm đó, ông chỉ nhắc nhở về việc nên có chiến lược tạo ra giá trị lớn nhất, đồng thời cân nhắc những chủ đề mà giới chính trị có thể chú ý.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng còn chặng đường dài để FTC giành thắng lợi. Theo quan điểm của chính phủ, Meta vẫn hoạt động mạnh mẽ suốt thập kỷ qua nhờ việc “đè bẹp” đối thủ thông qua các thương vụ thâu tóm.
Ngoài ra, việc tại sao cơ quan quản lý phê duyệt các thương vụ này cũng trở thành chủ đề được tranh luận.
Nỗ lực chia tách Meta
Vụ kiện là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chính phủ Mỹ nhằm kiểm soát quyền lực các hãng công nghệ lớn (Big Tech). Trước đó, FTC cũng kiện Amazon với cáo buộc chèn ép người bán hàng và ưu ái dịch vụ của công ty.
Năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ đã thắng vụ kiện cáo buộc Google lạm dụng vị thế độc quyền trên thị trường công cụ tìm kiếm. Phiên tòa xác định biện pháp khắc phục sẽ diễn ra trong tuần tới.
Cơ quan này cũng kiện Google về sự thống trị trong lĩnh vực công nghệ quảng cáo. Apple cũng là mục tiêu trong một vụ kiện, với cáo buộc gây khó khăn cho người dùng muốn rời hệ sinh thái iOS.
![]() |
Nhân viên di chuyển thùng tài liệu đến phiên tòa ngày 15/4. Ảnh: New York Times. |
Trong tuyên bố mở đầu phiên tòa ngày 14/4, FTC cho biết Meta mua lại Instagram và WhatsApp nhằm củng cố quyền lực, tước đi quyền lựa chọn nền tảng của người dùng và tạo lợi thế vượt mặt đối thủ.
Các luật sư của Meta phủ nhận cáo buộc, phản bác rằng công ty đối mặt sức ép cạnh tranh lớn từ TikTok và những nền tảng khác. Theo luật sư, nỗ lực hủy bỏ các vụ sáp nhập sau hơn 10 năm có thể tạo ra tiền lệ xấu.
Ngày 15/4, luật sư của FTC gây sức ép, buộc Zuckerberg giải thích các tin nhắn nội bộ trước khi mua Instagram và WhatsApp. Những nội dung này cho thấy CEO Meta lo lắng về khả năng cạnh tranh của Facebook trên di động.
Trong quá trình thẩm vấn, Zuckerberg thường xuyên nói rằng “không nhớ” quá trình suy nghĩ khi viết một số email nhất định.
Những email nói gì?
Daniel Matheson, luật sư từ phía FTC, chỉ ra hàng loạt email vào năm 2012 giữa Zuckerberg và các lãnh đạo Facebook. Những email trao đổi về hiệu suất làm việc của nhân viên, các thương vụ mua lại tiềm năng trong quá khứ và tương lai, cũng như mối đe dọa từ các đối thủ mới nổi.
Trong một email với Sheryl Sandberg, thời điểm ấy là Giám đốc Vận hành Facebook, Zuckerberg nói rằng có thể hướng dẫn bà chơi Settlers of Catan, một trò chơi board game phổ biến. Ông cũng chỉ trích một số nhân viên cấp dưới, nói rằng hiệu suất kém cỏi là lý do công ty cần mua Instagram.
“Một tỷ USD là con số rất đắt”, Zuckerberg nhấn mạnh trước tòa.
![]() |
David Ginsberg, Giám đốc Truyền thông và Quan hệ công chúng Toàn cầu tại Meta, đến tòa án ngày 15/4. Ảnh: New York Times. |
Trong một email khác vào năm 2013, Zuckerberg yêu cầu chặn quảng cáo trên Facebook với các đối thủ nước ngoài, bao gồm Kakao và WeChat.
“Những công ty ấy đang cố gắng xây dựng mạng xã hội và thay thế chúng ta. Doanh thu chỉ là vụn vặt so với bất cứ rủi ro khác”, Zuckerberg viết.
Trình bày trước tòa án, CEO Meta liên tục nói rằng lý do mua lại Instagram và WhatsApp đến từ chiến lược kinh doanh thông thường.
“Xây dựng ứng dụng mới rất khó... Chúng tôi đã thử phát triển hàng chục ứng dụng trong suốt lịch sử công ty, phần lớn chẳng đi đến đâu cả”, CEO Meta nhấn mạnh.
Zuckerberg dự kiến tiếp tục ra tòa trong ngày 16/4 (giờ địa phương).
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/mark-zuckerberg-bao-ve-instagram-truoc-lo-ngai-bi-tach-roi-a124260.html