
Cám gạo sẽ có cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Cám gạo trước đây được xem là một phụ phẩm không có giá trị cao trong ngành sản xuất gạo, thường được dùng làm thức ăn cho gia súc hoặc làm phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên, cám gạo, cám gạo chiết ly vừa trở thành một trong 4 mặt hàng nông sản vừa được Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).
Cám gạo làm thức ăn chăn nuôi là phụ phẩm quá trình sản xuất gạo sau khi tách vỏ trấu. Cám gạo chiết ly làm thức ăn chăn nuôi là phụ phẩm sau quá trình ngâm chiết dầu cám gạo.
Dù chưa có số liệu chính thức về thị trường cám gạo toàn cầu, các chuyên gia dự đoán có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Nguyên do bởi các phân khúc liên quan như thị trường dầu cám gạo toàn cầu được định giá khoảng 7,86 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 18,35 tỷ USD vào năm 2032, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 10%.
Hay thị trường bã cám gạo đã tách dầu được định giá khoảng 916,5 triệu USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 1,31 tỷ USD vào năm 2031, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 4,5%.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới có nhu cầu nhập khẩu cám gạo. Ở châu Âu có Hà Lan, Pháp, Đức nhập khẩu cám gạo để làm cả thực phẩm và mỹ phẩm. Trung Quốc, với đàn lợn hàng đầu thế giới, cũng nhập khẩu một lượng lớn cám gạo để sản xuất thức ăn gia súc. Ngay cả Ấn Độ, một cường quốc xuất khẩu gạo, cũng nhập khẩu cám gạo do nhu cầu trong nước không đủ đáp ứng.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam sản xuất khoảng 5 triệu tấn cám gạo mỗi năm, trong đó xuất khẩu khá lớn. Tuy nhiên, trước khi ký nghị định thư, phần lớn cám gạo được tiêu thụ nội địa hoặc xuất tiểu ngạch, chất lượng không được kiểm định chặt chẽ và giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, sắp tới là cơ hội lớn cho phụ phẩm lúa gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, để xuất khẩu thành công sang, theo nghị định thư, Trung Quốc yêu cầu các sản phẩm cám gạo, cám gạo chiết ly đảm bảo không có các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn Salmonella hoặc nấm mốc. Doanh nghiệp phải được Bộ Nông nghiệp và Môi trường giới thiệu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và sẽ được đăng ký sau khi được kiểm tra và phê duyệt bởi GACC. Danh sách các doanh nghiệp đã đăng ký có thể tìm trên website của GACC.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thiết lập hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thô, các công đoạn sản xuất và chế biến, bảo quản, vận chuyển phải được kiểm soát vệ sinh, tránh ô nhiễm đất, xác động vật, phân động vật và lông vũ... Bất kỳ nguyên liệu nào có nguồn gốc động vật cần phải tránh lây nhiễm, dây chuyền sản xuất không được phép sử dụng cho nguyên liệu có nguồn gốc động vật.
Bao bì phải được thiết kế để bảo vệ tốt sản phẩm, đảm bảo các thông tin về nguồn gốc, ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng và đầy đủ, bằng tiếng Trung và tiếng Anh. Phía Trung Quốc sẽ thực hiện kiểm tra ít nhất 3 tháng 1 lần.