Chuyện gì đang xảy ra ở Harvard?

Harvard là trường đại học đầu tiên công khai phản đối loạt yêu cầu từ chính quyền Trump, tạo ra một cuộc đối đầu trực diện giữa chính phủ và cơ sở giáo dục danh tiếng nhất nước Mỹ.

Ông Trump nói Harvard là trò đùa, không xứng đáng nhận tiền tài trợ liên bang. Ảnh: Reuters.

"Không chính phủ nào - bất kể đảng phái nào nắm quyền - được phép ra lệnh cho các trường đại học tư thục về nội dung giảng dạy, tuyển dụng hay lĩnh vực nghiên cứu", Chủ tịch Harvard, ông Alan Garber, tuyên bố trong một lá thư đăng trên trang web của trường.

Ông Trump liên tục đe dọa Havard

Cuộc khủng hoảng với Đại học Harvard bắt đầu ngày 31/3, khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố tiến hành xem xét lại các khoản tài trợ và hợp đồng liên bang trị giá 9 tỷ USD dành cho Đại học Harvard.

Trường này bị cáo buộc đã không có những biện pháp xử lý thỏa đáng đối với các vấn đề bài Do Thái xảy ra trong khuôn viên.

Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon khẳng định Đại học Harvard đã thất bại trong việc bảo vệ sinh viên khỏi nạn phân biệt bài Do Thái. Điều này, cùng với việc trường thúc đẩy những tư tưởng chia rẽ thay vì khuyến khích tự do học thuật, đã gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của trường.

Ngày 3/4, Lực lượng Đặc nhiệm liên ngành chống chủ nghĩa bài Do Thái (JTFCAS) gửi thư cho Harvard, liệt kê 9 yêu cầu cải cách cần thiết để trường duy trì các khoản tài trợ và hợp đồng liên bang có tổng giá trị 9 tỷ USD.

Ngày 11/4, chính quyền ông Trump tiếp tục gửi thư, cho rằng Harvard "những năm gần đây không đáp ứng được các điều kiện về quyền trí tuệ và quyền công dân để đáp ứng cho khoản đầu tư từ liên bang". Thư liệt kê thêm các thay đổi mà Harvard cần thực hiện, hạn cuối vào tháng 8.

Thế nhưng, ngày 14/4, Harvard tuyên bố không khuất phục trước các yêu cầu từ chính phủ, bao gồm việc đóng cửa tất cả các chương trình về đa dạng, công bằng và hòa nhập, cũng như đảm bảo mọi quyết định tuyển dụng, thăng chức và tuyển sinh đều dựa trên năng lực.

Vài giờ sau đó, chính quyền đã thông báo về việc đóng băng khoản tài trợ trị giá 2,2 tỷ USD dành cho Harvard.

Tiếp sau đó, trong một bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Trump cho biết đang xem xét việc tước quyền miễn thuế của Harvard nếu trường tiếp tục thúc đẩy thứ mà ông gọi là "căn bệnh về tư tưởng chính trị, ý thức hệ và ủng hộ khủng bố".

Ngày 15/4, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết Tổng thống Trump muốn Harvard xin lỗi, yêu cầu trường phải tuân thủ luật liên bang.

Tình hình tiếp tục leo thang khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) tuyên bố Đại học Harvard sẽ bị tước quyền tuyển sinh sinh viên nước ngoài nếu không cung cấp thông tin về một số người có thị thực theo yêu cầu của chính quyền Trump.

Ngày 16/4, Bộ trưởng DHS Kristi Noem cũng thông báo hủy hai khoản tài trợ của bộ cho Harvard, tổng trị giá hơn 2,7 triệu USD.

Đáp lại, người phát ngôn của Harvard xác nhận trường đã nhận được thư của bà Noem, cho biết vẫn giữ nguyên lập trường đã tuyên bố trước đó, "không từ bỏ sự độc lập hay các quyền hiến định" và khẳng định sẽ tuân thủ pháp luật.

Trong khi đó, viết trên mạng Truth Social ngày 16/4, ông Trump nói "Harvard đã lạc lối", chỉ trích "Harvard là một trò đùa, dạy sự thù hận và ngu dốt, không xứng đáng nhận tiền tài trợ liên bang".

CNN dẫn hai nguồn thạo tin cho biết Cơ quan Thuế vụ Nội địa Mỹ đang lên kế hoạch thu hồi tình trạng miễn thuế của Đại học Harvard và sẽ sớm được đưa ra.

Harvard doi dau Trump anh 1

Đại học Harvard từ chối các yêu cầu của chính quyền ông Trump. Ảnh: Reuters.

Harvard quyết đối đầu

Báo cáo tài chính năm 2024 của Đại học Harvard cho thấy quỹ tài trợ của trường đạt mức 53,2 tỷ USD.

Theo Newsweek, quỹ tài trợ này là nguồn thu lớn nhất, đóng góp 2,4 tỷ USD vào ngân sách hoạt động 6,4 tỷ USD của Harvard trong năm tài chính 2024, chiếm khoảng 37% tổng chi phí.

Tuy nhiên, trường vẫn phải dựa vào các nguồn khác, như tài trợ nghiên cứu từ liên bang và các tổ chức khác, để trang trải gần 2/3 chi phí hoạt động còn lại.

Đáng chú ý, việc sử dụng quỹ tài trợ cũng có những ràng buộc nhất định. Khoảng 70% số tiền được phân bổ hàng năm từ quỹ này do các nhà tài trợ chỉ định mục đích sử dụng cụ thể, điều này hạn chế khả năng Harvard dùng nguồn lực này để bù đắp cho các chương trình bị chính quyền Trump cắt giảm tài trợ.

Để đối phó với nguy cơ bị cắt giảm ngân sách từ chính phủ, Harvard đã có những động thái phòng ngừa.

Vào tháng 3, trường thông báo tạm ngừng tuyển dụng mới nhằm duy trì sự linh hoạt tài chính cho đến khi hiểu rõ hơn về những thay đổi trong chính sách liên bang và đánh giá được mức độ tác động của chúng.

Hôm 7/4, Đại học Harvard có kế hoạch vay 750 triệu USD từ Phố Wall để chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ.

Bên cạnh đó, trường chuẩn bị cho một cuộc chiến pháp lý bằng cách thuê hai luật sư có tiếng - William Burck, từng là phó cố vấn của Tổng thống George W. Bush, và Robert Hur, cựu công tố viên đặc biệt trong vụ điều tra tài liệu mật của Tổng thống Joe Biden.

Hai luật sư này đã gửi thư cho chính quyền Trump, khẳng định các yêu cầu của họ là bất hợp pháp.

"Cả Harvard và các trường tư thục khác không thể để chính phủ liên bang kiểm soát. Harvard vẫn sẵn sàng đối thoại về những hành động đã và đang được thực hiện để cải thiện trải nghiệm của mọi thành viên trong cộng đồng trường. Tuy nhiên, Harvard không chấp nhận những yêu cầu vượt quá thẩm quyền hợp pháp của chính quyền hiện tại hay bất kỳ chính quyền nào khác", trích thư gửi chính quyền hôm 14/4 của hai luật sư.

Hiệu trưởng Garber cho rằng Harvard đã thực hiện nhiều cải cách để giải quyết vấn đề bài Do Thái. Tuy nhiên, nhiều yêu cầu của chính phủ không liên quan đến chủ nghĩa bài Do Thái, mà thay vào đó là một nỗ lực để kiểm soát "môi trường trí tuệ" của Harvard.

Lập trường cứng rắn của Harvard nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ sinh viên, cựu sinh viên và nhiều trường đại học khác.

Hiện, vẫn chưa rõ chính quyền Trump sẽ có những động thái tiếp theo nào đối với Harvard sau những phản kháng trên.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/chuyen-gi-dang-xay-ra-o-harvard-a124059.html