Trả lời:
Theo quan niệm dân gian, nhiều người vẫn nghĩ trẻ bị sởi cần kiêng nước, nếu không bệnh lâu khỏi hoặc nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế trẻ bị sởi không cần kiêng nước. Khi mắc bệnh, cơ thể sốt, phát ban khiến trẻ ngứa, khó chịu và gãi nhiều, dễ gây nhiễm trùng da thứ phát do vi khuẩn xâm nhập vào các nốt sởi. Tắm rửa sạch sẽ, đúng cách hàng ngày giúp loại bỏ tế bào chết, mồ hôi, bụi bẩn trên da, giảm ngứa và nguy cơ mắc phải biến chứng do bội nhiễm vi khuẩn.
Tuy nhiên, bạn không cho trẻ nghịch nước hoặc ngâm người dưới nước. Do thể trạng của trẻ lúc này yếu hơn bình thường, tiếp xúc lâu với nước khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, bệnh dễ trở nặng. Bạn nên tắm cho trẻ vào ban ngày bằng nước ấm trong phòng kín gió, nhiệt độ nước lý tưởng là 37-38 độ C. Dùng dầu gội và sữa tắm không có tính tẩy rửa mạnh, không chứa hương liệu hay thành phần gây kích ứng da để làm sạch mồ hôi, tế bào chết, tiêu diệt vi trùng bám trên da bé. Chú ý tắm trong thời gian ngắn, khoảng dưới 5-10 phút, nhẹ nhàng lau khô người trẻ bằng khăn mềm, tránh chà xát mạnh vào các nốt sởi. Trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để không làm tổn thương vùng da đang phát ban.
Bạn nên vệ sinh răng miệng, mắt, mũi họng trẻ bằng nước sạch, khăn mặt mềm dùng một lần. Rác thải sau khi chăm sóc trẻ nên được bọc kín trong túi nilon, phân loại riêng tránh lây nhiễm. Trường hợp bé đang sốt cao trên 39 độ C, có biểu hiện co giật hoặc các triệu chứng nghi ngờ viêm phổi, quá mệt, không có sức để đứng hay ngồi vững, da có dấu hiệu nhiễm trùng như loét, chảy mủ không nên tắm toàn thân. Bạn có thể lau cơ thể của con bằng khăn ấm để giữ vệ sinh.
Trẻ phát ban sởi toàn thân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh sởi. Các phương pháp hiện có tập trung vào hỗ trợ điều trị triệu chứng, giúp bệnh nhanh khỏi. Hầu hết trẻ mắc sởi không có biến chứng có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Để trẻ nhanh khỏi bệnh, bạn tránh để bé tiếp xúc với không khí lạnh, nơi có nhiều gió lùa. Kiểm tra thân nhiệt của trẻ thường xuyên, hạ sốt đúng cách.
Thời gian này bạn cần cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc, khuyến khích con uống nhiều nước lọc, sữa, nước trái cây tươi hoặc oresol để đề phòng mất nước và cân bằng điện giải. Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo lành mạnh, đủ chất. Tránh ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, nhiều gia vị cay nóng hay có hàm lượng muối cao. Các loại thức ăn nên chế biến dạng mềm, lỏng, dễ tiêu hóa.
Bạn tránh để mắt trẻ tiếp xúc với ánh sáng, nên cho bé nghỉ học trong khoảng thời gian mắc bệnh cho đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban. Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, tránh bụi bẩn, khử khuẩn phòng ngủ và khu vui chơi của con thường xuyên. Kiêng cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác. Cả trẻ và người chăm sóc cần rửa tay với xà phòng khử khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nhau hoặc khi ra ngoài.
Bạn theo dõi sát sao triệu chứng của con. Nếu bé có dấu hiệu trở nặng như sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, lừ đừ, mệt mỏi, bỏ ăn, tiêu chảy, có dấu hiệu mất nước, thở nhanh, khò khè, các nốt sởi sưng đỏ, mưng mủ..., bạn cần đưa con đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Thuỳ Linh
Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tre-bi-soi-co-nen-tam-khong-a122387.html