Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, hiến tạng là nghĩa cử nhân đạo, gia đình người hiến và người nhận không được phép biết nhau để tránh những phát sinh tiêu cực.
Từ việc liên tục vào viện chạy thận ba lần một tuần, không có nước tiểu, sức khỏe suy kiệt, người phụ nữ hồi phục sau cuộc ghép vào tháng 3. Các chỉ số đều cải thiện tốt, chị không có dấu hiệu thải ghép cấp, bài tiết nước tiểu ổn định. Phép màu này có được là nhờ quả thận từ người đàn ông 34 tuổi, dân tộc Nùng, chẳng may chết não sau tai nạn, được gia đình hiến tạng.
Các y bác sĩ ghép thận tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Chị đột nhiên khó thở, mệt mỏi, đi khám vào tháng 3/2023 được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối, ở tuổi 34. Lần đầu phát hiện bệnh cũng là lúc phải chạy thận nhân tạo cấp cứu, bắt đầu chuỗi ngày gắn liền với bệnh viện. Hai con còn nhỏ, mọi gánh nặng đổ dồn vai chồng, cộng thêm những biến chứng chạy thận, khiến không ít lần Ly rơi vào bi quan, bế tắc.
Có những thời điểm chứng kiến người cùng chạy thận qua đời, chị suy sụp. Việc công ty, đồng nghiệp phải gánh vác giúp, người phụ nữ cũng không thể đi đâu xa vì sợ không có chỗ lọc thận. Người mẹ 61 tuổi bày tỏ ý định hiến tạng, nhưng chị không đồng ý vì mẹ đã già yếu. Khi nhận được cuộc gọi thông báo khả năng nhận được thận từ người chết não, bà mẹ hai con "bất ngờ, sững sờ, không dám tin là sự thật".
BS.CK2 Nguyễn Xuân Toàn, Trưởng Khoa Ngoại Thận Tiết niệu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết bệnh nhân nhận tạng từ người hiến chết não thường hồi phục chậm hơn so với người hiến sống, đòi hỏi việc chăm sóc hậu phẫu cẩn trọng. Giai đoạn đầu sau mổ, các bác sĩ kết hợp lọc máu chạy thận để cho thận có thời gian hồi phục. Hiện, các chỉ số của chị Ly trở về bình thường.
"Tôi đã hồi phục 90% sức khỏe, không thể diễn tả hết sự biết ơn đối với người hiến tạng và y bác sĩ, mong muốn được thắp một nén nhang tri ân người đã hiến thận cho tôi", chị Ly nói.
Chia sẻ quả thận còn lại từ người hiến chết não cùng chị là anh Thành, 41 tuổi. Anh phát hiện suy thận từ năm 2022, vợ từng muốn hiến thận cứu chồng nhưng do bị sạn thận nên không đảm bảo điều kiện. Từng nghĩ "sống được ngày nào hay ngày đó, không còn hy vọng", nay anh đã hồi phục khỏe mạnh nhờ quả thận từ người đàn ông xa lạ.
Cũng từ tạng hiến của người đàn ông dân tộc Nùng, một bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế đã được ghép tim. Gan phải giúp hồi sinh người bệnh ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), còn gan trái ghép cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Hiện, các bệnh nhân hồi phục tốt.
Chị Ly (váy hoa) và anh Thành (áo xanh) hội ngộ các y bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, ngày 4/4. Ảnh: Bích Hạnh
Ghép thận là phương pháp thay thế thận tối ưu. Chưa kể, tổng chi phí phải trả hàng tháng ít tốn kém hơn so với chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và điều trị các biến chứng liên quan.
TS.BS Mai Phan Tường Anh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết nơi này triển khai 4 ca ghép thận từ hơn 20 năm trước, sau đó gián đoạn vì nhiều lý do, nay mới thực hiện trở lại với sự giúp đỡ của PGS.TS.BS Thái Minh Sâm và BS.CK2 Hoàng Khắc Chuẩn từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện cũng đang cử các bác sĩ đi học ở Hàn Quốc về kỹ thuật ghép gan, hy vọng có thể sớm thực hiện trong thời gian tới để góp phần cứu chữa thêm nhiều bệnh nhân.
Gần đây, Việt Nam ghi nhận số ca hiến tạng từ người chết não tăng kỷ lục, với 39 ca hiến tạng từ người chết não trong năm 2024, song vẫn nằm trong nhóm các nước thấp nhất thế giới. Số lượng ca chờ ghép cao, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn rất dài và mỗi ngày vẫn có rất nhiều người qua đời vì không có tạng để ghép. Bộ Y tế đang đề xuất cho phép người dưới 18 tuổi được hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết, song phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện hợp pháp.
Lê Phương
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/benh-nhan-ghep-than-mong-duoc-thap-nhang-tri-an-nguoi-hien-a122360.html