Vượt qua cú sốc tinh thần khi công khai chuyển giới

Hà NộiĐể sớm thoát khỏi hình hài "không thuộc về mình", Phương Nhã lấy hết can đảm nói về ước mơ được sống là phụ nữ với bố mẹ, ban đầu không được chấp nhận.

Phương Nhã 19 tuổi, là sinh viên chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, Học viện Ngoại giao. Cuộc sống mới mở ra nhiều cơ hội khi cô trở thành người mẫu và diễn giả. Gần đây, tên cô xuất hiện nổi bật tại cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam 2025.

Nhã sinh ra với hình hài con trai. Ngày nhỏ, cô gần như không có bạn bè, thường xuyên bị trêu chọc là "thằng bê đê". Suốt thời gian học tiểu học và trung học, ánh mắt phán xét như chiếc bóng bám riết, đẩy cô vào những ngày tháng tự trách mình, luôn nghĩ bản thân "có lỗi". Có giai đoạn, Nhã cố gắng "nam tính hóa" để sống giống như mong đợi của người khác, dù biết rõ đó không phải là mình.

[Caption]nnnnnnnn

Hình ảnh hiện tại của Phương Nhã sau chuyển giới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đến năm lớp 10, những lời chế giễu và áp lực từ xã hội không đáng sợ bằng cảm giác không được gia đình ủng hộ, Nhã kể. Một lần, cô lấy hết can đảm nói với mẹ về ước mơ được sống là phụ nữ. Cuộc trò chuyện nhanh chóng trở nên gay gắt khi bố mẹ bị sốc, không chấp nhận.

Nhã khép mình trong phòng, chỉ khóc. Cô mất ngủ triền miên, trầm cảm và chìm trong suy nghĩ tiêu cực. Có lần, khi mẹ phát hiện Nhã mặc váy, trang điểm để đi chơi, không khí gia đình trở nên ngột ngạt hơn. "Tôi không muốn làm tổn thương cha mẹ, nhưng không thể sống cả đời như 'hồn Trương Ba da hàng thịt'", cô chia sẻ.

Nhã bắt đầu tập trung cho kế hoạch thay đổi diện mạo và cuộc sống, bắt đầu từ tiêm thuốc hormone. Thế nhưng, việc tiêm hormone không được quản lý tại Việt Nam lại là một thử thách nguy hiểm khác. Nhã kể, cô bắt đầu điều chỉnh nội tiết tố bằng những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu hay cáu gắt là tác dụng phụ cô thường gặp. "Có ngày, khi thức dậy, tôi chỉ muốn ngồi lì trên giường, đầu đau như búa bổ".

Năm 2024, Nhã thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên. "Khi bác sĩ tháo băng, tôi nhìn xuống và khóc. Không phải vì đau, mà vì lần đầu tiên, cơ thể tôi thuộc về mình", Nhã kể.

[Caption]jjjjj

Phương Nhã trước khi chuyển giới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới ở độ tuổi 15-59. Hiện chưa có nghiên cứu về tỷ lệ người gặp vấn đề tâm lý khi công khai, song hầu hết phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần và xu hướng ngày càng gia tăng. Các chuyên gia nhận định "come out" là một cuộc đấu tranh tâm lý rất vất vả, đặc biệt khi đứng trước gia đình. Come out là quá trình công khai xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của bản thân với người khác.

Một khảo sát cấp quốc gia trên 35.000 người trẻ trong cộng đồng LGBTQIA+ năm 2021 ghi nhận 42% từng cân nhắc tự sát. Bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cho biết những người LGBTQIA+ (viết tắt của Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender, Queer, Intersex, Asexual và các cộng đồng khác) phải chịu nhiều tổn thương và nguy cơ về sức khỏe tâm thần hơn so với dân số chung. Nhóm này bị phân biệt đối xử, lăng mạ và bạo hành thể xác ở gia đình, trường học, nơi làm việc nên nhạy cảm hơn, dễ trầm cảm hơn.

Lý do đa số người thân, nhất là cha mẹ khó lòng chấp nhận, thậm chí nhiều trường hợp xung đột mạnh mẽ, đẩy người đồng tính vào tình thế bế tắc, tìm đến cái chết. Nhóm này thường phải che giấu thân phận trong thời gian dài, tự tìm kiếm hướng đi, không có người định hướng nên dễ lạc lõng, trầm cảm, rối loạn lo âu hơn.

Ngoài ra, việc tự ý tiêm hoặc uống hormone để thay đổi nội tiết tố sinh dục đã ảnh hưởng thể chất và tinh thần. Trong khi nhu cầu thăm khám, điều trị, hỗ trợ vấn đề y tế, sức khỏe của cộng đồng LGBT là rất cao, thì hầu như thiếu vắng các cơ sở y tế và dịch vụ đáp ứng. Hiện Việt Nam chưa có bệnh viện nào được cấp phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho người chuyển giới.

[Caption]......f

Phương Nhã đang tham gia cuộc thi Hoa hậu chuyển giới 2025, được nhiều người quan tâm, yêu mến. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Phương Nhã, come out không nhất thiết phải nói thành lời, nhưng cần có kế hoạch, chuẩn bị tâm lý và tài chính vững vàng, tránh đẩy mình vào trầm cảm hay làm tổn thương gia đình. Với Nhã, giới tính không quyết định thành công hay tương lai, "chỉ cần bản thân tự tin, không mơ hồ, sống tích cực, có trách nhiệm".

Hiện tại, Nhã dần quen với hình ảnh mới, được gia đình dần chấp nhận. Hơn hai năm nay, mẹ của Nhã luôn đồng hành, sát cánh và giúp đỡ Nhã trong các dự án. Bố của Nhã dần mở lòng, yêu thương, "tìm cách bảo vệ con trước áp lực từ cộng đồng".

"Sống đúng với giới tính thật là nguồn động lực để mình phát triển và cống hiến nhiều hơn trong tương lai", Phương Nhã nói, thêm rằng hiện cô sẵn sàng cho cuộc đại phẫu thứ hai để hoàn chỉnh "giấc mơ lớn nhất đời".

Thông thường, người chuyển giới phải sử dụng hormone sau đó sẽ phẫu thuật. Tùy nhu cầu, người chuyển giới nam sang nữ sẽ nâng ngực và tạo hình lại cơ quan sinh dục. Ngoài ra, họ sẽ làm thêm các phẫu thuật thẩm mỹ như bơm môi, cắt mí, độn cằm... để ngoại hình tự nhiên hơn.

Thùy An

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/vuot-qua-cu-soc-tinh-than-khi-cong-khai-chuyen-gioi-a122337.html