Độc đáo nghi lễ cúng Giang Sơn, người đến dự phải được “làm phép”

Lễ cúng Giang Sơn được đồng bào dân tộc Chứt truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác để cầu bình an và xin các vị thổ thần phù hộ nương rẫy tươi tốt, được mùa.

Người đến dự phải được "làm phép"

Lễ cúng Giang Sơn là một trong những lễ bắt buộc phải thực hiện hàng năm của người Chứt sống dưới chân núi Giăng Màn thuộc xã Trọng Hóa và Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Dân tộc Chứt gồm các nhóm tộc người: Mày, Sách, Rục, Mã Liềng và A Rem, họ có tiếng nói nhưng không có chữ viết riêng. Trải qua nhiều thế hệ, các phong tục, nghi lễ của họ chủ yếu được truyền miệng.

Theo nhiều già làng, lễ cúng Giang Sơn trước đây được tổ chức 2 lần trong năm. Lần thứ nhất vào đầu năm (thường vào tháng 3 âm lịch) để cầu bình an và xin các vị thổ thần phù hộ nương rẫy tươi tốt, được mùa, gọi là lễ "mở đất". Lần thứ hai vào khoảng tháng 10 âm lịch, nhằm trả lễ cảm tạ ân đức và được gọi là lễ "đóng đất".

Độc đáo nghi lễ cúng Giang Sơn, người đến dự phải được “làm phép”- Ảnh 1.

Lễ cúng Giang Sơn của người Mày ở bản Dộ-Tà Vờng, xã Trọng Hoá (Ảnh: X.Phú).

Ở mỗi lễ cúng, những bản ở gần nhau cùng chung tiếng nói sẽ đóng góp các lễ vật như: Lợn, gà, nếp rẫy, hoa chuối để làm lễ. Mâm cúng chia làm 2 tầng, tầng trên kính thổ thần, tầng dưới cho tổ tiên và những người đã khuất luôn phù hộ cho dân bản.

Theo quan niệm của người Rục, trước khi vào lễ cúng, người tham gia phải được tẩy trần sạch sẽ để đánh bay mọi tội lỗi, uế tạp. Nếu không được "làm sạch thân thể" trước khi bước vào lễ cầu an, các vị thần linh sẽ không chấp nhận để ban phát những điều may mắn, tốt lành.

Ông Cao Hùng, 62 tuổi, trú tại bản Ón cho biết, những người có uy tín trong bản sẽ vào rừng chọn 7 viên đá lèn "đặc biệt" cùng với bó lá rừng mà dân bản gọi là Tri ang Cà panh sau đó thực hiện các công đoạn một cách cẩn thận để thanh tẩy cho người dự lễ.

Theo ông Hùng, những hòn đá trên sẽ được rửa sạch, nung đỏ trong bếp rồi thả vào những nồi ngâm nước lá Tri ang Cà panh đặt trước cổng vào. Khi nước nguội, chủ lễ sẽ vẩy lên từng người để tẩy trần. Đây là thủ tục bắt buộc, ai không làm phép sạch thân thể sẽ không được vào dự lễ.

Người chủ lễ thường là những già làng cao tuổi nhất, có kinh nghiệm và thông thuộc địa lý các khu vực khe suối, núi rừng xung quanh các bản làng người Rục. Các bài cúng bằng tiếng Rục thể hiện sự biết ơn với tổ tiên, các vị thần linh đã chở che, phù hộ và cúng tiễn các vong linh không có ai thờ cúng, vì đó mà thường xuyên phá hoại, gây tai ương cho dân bản.

Lễ cúng truyền đời

Để chuẩn bị cho lễ, từ chiều hôm trước, dân bản đã tích trữ củi và nhóm bếp đốt lửa cháy liên tục. Với người Mày, người Sách lễ vật khá đơn giản và tùy theo điều kiện từng năm nhưng điều quan trọng nhất là địa điểm đặt lễ và thầy cúng. Địa điểm bày lễ thường được lựa chọn tại một điểm cố định, truyền từ nhiều đời trước và hướng về cửa rừng. Thầy cúng thường là những người có uy tín trong bản, thuộc các bài cúng được truyền trực hệ từ đời này qua đời khác. Sau mỗi bài cúng, thầy cúng sẽ gõ 3 tiếng chiêng để gửi gắm ý niệm tới các đấng bề trên.

Độc đáo nghi lễ cúng Giang Sơn, người đến dự phải được “làm phép”- Ảnh 2.

Lễ cúng Giang Sơn của đồng bào Rục là một phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào người Chứt (Ảnh: D.Hương).

Từ nhiều năm nay, già Hồ Tót là thầy cúng của người Mày tại bản Dộ-Tà Vờng, xã Trọng Hóa. Ông được thế hệ trước chọn và truyền lại các bài cúng trong các dịp đại sự của bà con, nhất là lễ cúng Giang Sơn. 

"Trước đây, khi cha còn sống, tôi chỉ được đứng chầu và học tập cha. Sau khi cha tôi mất đi, tôi mới được phép nối nghiệp. Rồi đây, tôi lại sẽ truyền lại các bài lễ cúng cho con cháu của tôi", già làng Hồ Tót nói.

Theo già Hồ Tót, các bài văn cúng trong lễ cực kỳ quan trọng bởi mỗi khu đất, khu rừng, con suối đều có những vị thần linh ngự trị. Nếu khi cúng khấn mà đọc thiếu tên của những vị thần linh thì năm đó người dân trong bản sẽ gặp bất lợi ở những nơi "quên" xin phép. Những bài cúng, mỗi thế hệ người Mày trong bản chỉ truyền cho một người.

Trong lễ cúng, trước đây, già làng thường dùng 2 miếng gỗ ngắn (có hai mặt) ném vào con dao đi rừng để xin keo sấp ngửa, còn hiện nay dùng 2 đồng xu có mặt âm dương. Sau khi được các vị thổ thần chấp thuận, bà con dân bản cùng ngồi lại bên bếp lửa hồng, ăn uống, ca hát và kỳ vọng năm mới mưa thuận gió hòa, nhà nhà an yên, việc đi rừng suôn sẻ…

Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, lễ cúng Giang Sơn không chỉ đơn thuần là nghi lễ cầu an, mà còn là một phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào người Chứt.

Việc duy trì các nghi thức này có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng, đồng thời là một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/doc-dao-nghi-le-cung-giang-son-nguoi-den-du-phai-duoc-lam-phep-a117400.html