Người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối kiệt quệ bởi chiêu lừa của Mr Pips

Mang trong mình trọng bệnh, bà T.P. muốn kiếm thêm chút tiền nhưng vô tình sa chân vào chiếc bẫy của nhóm lừa Mr Pips khiến nạn nhân rơi vào cảnh cùng quẫn.

Video: Vạch trần chiêu trò lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng của TikToker Mr Pips Phó Đức Nam

"Ông xã đi về nhà kể chuyện công an bắt nhóm lừa đảo Mr Pips. Tôi lặng người, giả vờ không nghe thấy bởi chính tôi cũng là nạn nhân", bà T.P. (55 tuổi, ở Đồng Nai) kể lại.

Chồng bà T.P. thất nghiệp 5 năm nay, bản thân bà mắc ung thư giai đoạn cuối. Với mong muốn giảm bớt gánh nặng cho gia đình, thỉnh thoảng bà T.P. tìm vài công việc vặt kiếm thêm thu nhập.

Một ngày, khi đang dùng mạng xã hội, bà vô tình "lướt" trúng sàn đầu tư của TikToker Mr Pips (tên thật là Phó Đức Nam, SN 1994, trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhóm của Mr Pips lập tức chèo kéo, mời gọi bà T.P. đầu tư. Bà T.P. bắt đầu thử nạp 200.000 - 300.000 đồng, sẽ rút được số tiền tương đương 300.000 - 400.000 đồng.

Sau đó, bà T.P. được hướng dẫn vào nhóm Telegram, các thành viên trong nhóm này đua nhau khoe hình ảnh, clip về việc nhận được khoản tiền lãi lớn. Có thành viên còn gửi hàng loạt giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính nên bà T.P. rất tin tưởng.

Người phụ nữ 55 tuổi dần bị cuốn hút, choáng ngợp khi thấy trong nhóm ai đầu tư cũng thu về rất nhiều tiền lợi nhuận. Ham muốn kiếm tiền trỗi dậy, cũng là lúc bà T.P dần sa chân vào "chiếc bẫy" mà nhóm Mr Pips vẽ ra.

Người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối kiệt quệ bởi chiêu lừa của Mr Pips- Ảnh 1.

Phó Đức Nam lúc chưa bị bắt.

"Họ nói đầu tư 30 triệu lợi nhuận 500 triệu, 50 triệu được 1 tỷ, còn 60 triệu được 1,4 tỷ đồng. Lúc đầu tôi định đầu tư 30 triệu nhưng nghe nói chỉ được đầu tư 1 lần duy nhất nên tôi vay mượn thêm 30 triệu đồng nữa", bà T.P. nhớ lại.

Thế nhưng khi xuống tiền, ngỡ nhận được hơn 1,4 tỷ đồng thì bất ngờ tài khoản của bà bị "treo". Nạn nhân hốt hoảng và được tư vấn tiếp tục nạp thêm tiền để được hoàn tiền.

"Tôi thực sự không có tiền vì đang bệnh. Khi hỏi vay 70 triệu đồng, người thân nghĩ tôi cần tiền để mua thuốc nên sẵn sàng giúp đỡ", bà cho hay.

Bà T.P. vội dùng 70 triệu đồng vừa "vay nóng" nạp vào nhưng một lần nữa, bà không rút được tiền như hứa hẹn bởi lý do nhóm lừa đảo đưa ra là sai số tài khoản.

Những kẻ này tiếp tục dụ dỗ bà T.P. nạp thêm 120 triệu để "xử lý treo". Đâm lao phải theo lao, người phụ nữ đành tặc lưỡi tiếp tục đi vay mượn các mối quan hệ.

Cứ như vậy, bà T.P. liên tục rót tiền nhằm gỡ gạc. Cho đến khi không thể vay thêm được nữa, bà T.P. nghĩ đến số vàng để dành làm đám cưới cho con.

"Tôi mang trọng bệnh, những ngày cuối cùng muốn dành dụm chút vàng tổ chức đám cưới cho con. Nhưng tôi đã nghe lời ngon ngọt của thành viên nhóm, lấy số vàng đó mang đi bán được 125 triệu đồng rồi nạp vào nhưng tài khoản lại bị cháy" , bà T.P. nói trong nước mắt khi nhớ lại khoản tiền 500 triệu đồng "nướng" vào sàn đầu tư của Mr Pips rồi mất trắng.

Lúc này, người phụ nữ mới bừng tỉnh sau cơn u mê. Trong cơn tuyệt vọng, bà nghĩ đến việc ra cầu quyên sinh. May mắn, bà T.P. được một người bạn là cán bộ công an an ủi, động viên "của đi thay người", nạn nhân mới tĩnh tâm trở lại.

Với suy nghĩ còn người còn của, bà T.P. hàng ngày vẫn tiếp tục công việc của mình, chắt chiu từng đồng để trả nợ dần cho người thân. Điều bà day dứt lớn nhất là chưa dám mở lòng kể sự thật với chồng, con.

"Người nhà tôi từng là nạn nhân bị lừa với thủ đoạn tương tự. Tôi chửi dữ lắm nhưng đến lượt tôi lại mù quáng. Tôi muốn kiếm tiền để trị bệnh nhưng không ngờ lại mang thêm nợ" , bà T.P. nói những lời ân hận muộn màng.

Người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối kiệt quệ bởi chiêu lừa của Mr Pips- Ảnh 2.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo của TikToker Mr Pips.

Bà T.P. chỉ là một trong số hơn 2.600 bị hại trong đường dây lừa đảo của TikToker Mr Pips.

Theo cơ quan điều tra, từ khoảng năm 2019, Phó Đức Nam cùng với Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter; 34 tuổi, trú tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cấu kết với một nhóm đối tượng người nước ngoài tổ chức lừa đảo trên nền tảng hệ thống các trang web, đường link sàn chứng khoán quốc tế do nhóm người nước ngoài cung cấp.

Nhóm này chỉ đạo 7 đối tượng tại Việt Nam thành lập nhiều công ty "ma", đặt trụ sở tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác.

Các đối tượng đặt một công ty tại TP.HCM làm bình phong và khoảng 44 văn phòng tại Việt Nam (gồm 24 văn phòng ở Hà Nội, 20 văn phòng tại các tỉnh, thành khác). Công ty này không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng vẫn tuyển nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.

Mỗi ngày, khoảng 1.000 nhân viên làm việc từ 8-21h. Các đối tượng tạo lập, quản lý 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm là giao dịch trên các sàn quốc tế, có uy tín, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Những trang mạng này về bản chất đều được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng của các đối tượng quản lý. Mỗi sàn giao dịch đều kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới.

Các đối tượng tuyển và phân công, phân cấp quản lý nhân viên trong công ty thành nhiều bộ phận (gồm kế toán, nhân sự, IT, kinh doanh và chăm sóc khách hàng...). Các bộ phận này hoạt động bổ trợ lẫn nhau, tiếp xúc với khách hàng thông qua Zalo, Telegram... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của đường dây này là cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt. Ban đầu, Nam và đồng phạm dụ dỗ khách giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi rồi rút tiền được.

Sau đó, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để hướng dẫn, thúc đẩy khách nâng vốn giao dịch. Khi nhà đầu tư thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản, các đối tượng cung cấp thông tin sai sự thật để họ tiếp tục có niềm tin, chuyển thêm tiền để "gỡ". Cho đến khi khách không còn khả năng về tài chính, nhóm lừa đảo chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Ngày 25/10, Công an Hà Nội phối hợp với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức lực lượng bắt giữ hàng chục đối tượng trong băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia này.

Cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với với 31 đối tượng, trong đó: 26 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 bị can về tội Rửa tiền, 1 bị can tội Không tố giác tội phạm, 1 bị can tội Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.

Đồng thời, công an thu giữ, phong toả nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính tổng trị giá hơn 5.200 tỷ đồng.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nguoi-phu-nu-ung-thu-giai-doan-cuoi-kiet-que-boi-chieu-lua-cua-mr-pips-a116162.html