Tổng thuật: Hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Chiều 11/2 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các bộ: Công an, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện lãnh đạo một số địa phương; lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM; cùng chủ tịch, tổng giám đốc, lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đang cập nhật...

Tổng thuật: Hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tiếp theo Hội nghị với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và Hội nghị với các ngân hàng thương mại lớn, hội nghị lần này nhằm thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số và triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57, tinh thần là rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.

Theo Thủ tướng, muốn tăng trưởng thì phải tăng năng suất lao động, trên cơ sở phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao; giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.

Chương trình hành động của Chính phủ đã chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ với142 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, cơ quan, địa phương; vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao thực sự là yếu tố đột phá, động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Tổng thuật: Hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Muốn tăng trưởng thì phải tăng năng suất lao động, trên cơ sở phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng hiện nay về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao; nhận diện những khó khăn, thách thức cần vượt qua, khắc phục và những thời cơ và thuận lợi cần tranh thủ, tận dụng, phát huy; góp ý về các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, nhất là về thể chế, hạ tầng và nhân lực.

Thủ tướng cho biết đã giao các cơ quan khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường sắp tới dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách mới khó khăn, vướng mắc cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đồng thời trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ tại Kỳ họp tháng 5. Tinh thần là rất khẩn trương, vừa chạy vừa xếp hàng để giải phóng tư duy, huy động mọi nguồn lực phát triển, ví dụ các nhà khoa học được kinh doanh sản phẩm mà mình đã sáng tạo, nghiên cứu ra.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ý kiến về các nhiệm vụ bứt phá để chuyển đổi số thực sự là một động lực tăng trưởng, góp phần cải tạo tư liệu sản xuất, xây dựng cơ sở dữ liệu.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, tất cả các ngành các cấp, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ; việc này cũng không dừng lại ở các cơ quan nhà nước, các đại học, viện nghiên cứu mà các doanh nghiệp cũng phải tiên phong, mọi người dân phải tham gia, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong quá trình này.


Tổng thuật: Hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tổng hợp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tổng hợp, trong đó nêu ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và kiến nghị.

Báo cáo tổng hợp

Theo Bộ trưởng, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để KHCN, ĐMST, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, Chính phủ cần đặt quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 03 một cách hiệu quả, toàn diện, mang lại những chuyển biến lớn, có tính cách mạng, có tác động rõ nét lên các chỉ số tăng trưởng kinh tế. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp với những phương hướng triển khai như sau:
Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các "điểm nghẽn" thể chế ngay trong quý I/2025 đối với các Nghị định và quý II/2025 đối với các Luật. Nếu cần thiết, giao cơ quan chủ trì xây dựng Nghị quyết 03/NQ-CP phối hợp các Bộ ngành rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh yêu cầu tiến độ của các nhiệm vụ có tính cấp bách, cần làm ngay. Cụ thể như: cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực tài chính ngân sách nhà nước, giao quyền tự chủ đối với tài sản công, viện trợ, tài trợ cho KHCN, ĐMST, thu hút, đào tạo nhân tài, nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, xác định ngay các dự án trọng tâm về KHCN, ĐMST gắn với mục tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng có thế mạnh để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện trong năm 2025.
Thứ ba, nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn NVIDIA, tập trung vào dự án đầu tư đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo "luồng xanh" cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trước mắt tập trung vào giáo dục đại học, đào tạo ngắn hạn; thí điểm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học theo gói cam kết đầu ra (KPI) với chính sách học bổng toàn phần cho học viên sau đại học và yêu cầu phải có doanh nghiệp đồng hành.
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy kết nối sâu rộng tầm khu vực và quốc tế về KHCN, ĐMST; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực trọng tâm để thu hút mọi nguồn lực, trong đó có nhân tài người Việt trên toàn thế giới tham gia vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao: bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học…; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ tham gia học các ngành STEM.


Tổng thuật: Hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: Tôi nhất trí cao với nội dung Báo cáo trung tâm do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày. Báo cáo đã khái quát, nêu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển KHCN&ĐMST thời gian qua; những kết quả nổi bật góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cốt lõi kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai ngay trong năm 2025.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH 05 năm 2021-2025 và đặc biệt là quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, trong đó KHCN&ĐMST phải có những giải pháp đột phá, tạo động lực phát triển quan trọng trong năm 2025 và tạo tiền đề, xung lực mới, khí thế mới cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo.

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia và triển khai Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ; Bộ KH&CN đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, xây dựng, hoàn thiện và triển khai các giải pháp mang tính đột phá để quyết tâm "cởi trói", tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của KHCN&ĐMST, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Cụ thể một số nhiệm vụ trong tâm sau:

Một là, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách về KHCN&ĐMST:

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách mới để tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động KHCN&ĐMST, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 9 Quốc hội khóa XV (ngày 12/02/2025), trong đó tập trung đề xuất thí điểm một số chính sách như xử tài sản hình thành từ nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; các chính sách phát triển thị trường KH&CN.

Bộ KH&CN đã đăng tải dự thảo Nghị quyết để lấy ý kiến rộng rãi, đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban MTTQVN, các hiệp hội, doanh nghiệp. Chiều ngày hôm qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết. Bộ KH&CN đang khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội.

Thứ hai, tập trung xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo để thể chế hóa các chủ trương, chính sách đột phá của Đảng về KH,CN&ĐMST theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025 đối với 03 dự án Luật gồm: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; (2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và (3) Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi.

Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo để tạo cơ sở pháp lý hình thành và phát triển mạnh mẽ các Trung tâm đổi mới sáng tạo và Tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, trình Chính phủ ban hành ngay trong quý I/2025.

Hai là triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII của Việt Nam.

Những năm qua, kết quả Chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực, năm 2024, Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 32 bậc từ vị trí 76 lên 44 so với năm 2013. Việt Nam có 03 chỉ số đứng đầu thế giới là tỉ lệ nhập khẩu Công nghệ cao (CNC), xuất khẩu CNC và lần đầu tiên chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới.

Tuy nhiên với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới như hiện nay, nếu chúng ta không đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hệ thống đổi mới sáng tạo thì việc duy trì, cải thiện chỉ số GII là rất khó khăn, chính vì vậy các bộ, ngành cần chung tay bám sát các chỉ tiêu thành phần được phân công, tập trung xây dựng các chính sách, kế hoạch hành động phù hợp để hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Bộ KH&CN xin nêu một số điểm hạn chế chính mà GII đã chỉ ra thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành để tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện kết quả đánh giá như sau: (i) Bộ GD&ĐT cần tập đẩy mạnh các chỉ số về giáo dục, giáo dục đại học; trong đó lưu ý có 2 chỉ số chưa có dữ liệu phục vụ đánh giá, xếp hạng trong nhiều năm liên tiếp (là Chỉ số Chi của chính phủ cho mỗi học sinh trung học và Số năm đi học kỳ vọng); (ii) Bộ TT&TT cần tập trung nâng cao các chỉ số về hạ tầng CNTT (như chỉ số về xuất khẩu dịch vụ ICT); (iii) Bộ TN&MT lưu ý về các chỉ số về môi trường sinh thái; (iv) Bộ Tư pháp cần cải thiện các chỉ số về môi trường thể chế (như chỉ số về chất lượng các quy định pháp luật); (v) Bộ LĐTB&XH tập trung triển khai các chỉ số về lao động có kiến thức; (vi) Bộ VHTT&DL cần cải thiện các chỉ số về công nghiệp văn hóa (như dịch vụ văn hóa và sáng tạo, thị trường giải trí)...

Ngoài ra, để cải thiện chỉ số GII, Bộ KH&CN đã tích cực, chủ động phối hợp với WIPO xây dựng Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) đồng bộ với chỉ số GII. Kết quả PII 2024 nhìn chung cho thấy các địa phương cần tập trung có các giải pháp cải thiện đối với các trụ cột đầu vào hiện có kết quả còn kém như: Trình độ phát triển của doanh nghiệp, Trình độ phát triển của thị trường, Vốn con người và Nghiên cứu và phát triển, cũng như cải thiện trụ cột đầu ra về Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ.

Bộ KH&CN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII); đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cải thiện chỉ số PII hằng năm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhiệm vụ này đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 1 vừa qua, từ đó triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW trong thời gian tới.

Ba là đẩy nhanh tiến độ thí điểm các chính sách đặc thù đối với hoạt động KHCN&ĐMST tại các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, đây là những địa phương đã có đầy đủ cơ chế, chính sách, có tiềm năng, lợi thế phát triển nội trội so với các địa phương khác, vì vậy đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai, thí điểm các chính sách đặc thù đã được phê duyệt.

Khi các cơ chế, chính sách đặc thù, tháo gỡ điểm nghẽn được thí điểm thành công tại các địa phương nêu trên sẽ là tiền đề để nhân rộng mô hình triển khai cho các tỉnh, thành phố trên cả nước.


Tổng thuật: Hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Các doanh nghiệp lớn phải đi đầu về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam khác ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số, khơi dậy làn sóng khoa học công nghệ của cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Tăng trưởng truyền thống dần tới hạn, chúng ta vừa tăng trưởng trên 7%, nếu muốn tăng thêm từ 7-10% thì phải có các động lực tăng trưởng mới. Điều này chỉ có thể đến từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nông nghiệp đã giúp cho Việt Nam thoát nghèo, FDI, công nghiệp giúp cho Việt Nam thành nước thu nhập trung bình. Để trở thành nước thu nhập cao thì phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất cùng với phương thức quản trị quốc gia phát triển kinh tế-xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, tiến tới bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Khoa học công nghệ chỉ có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nếu như các kết quả nghiên cứu được thương mại hoá. Để thúc đẩy thương mại hoá thì các kết quả nghiên cứu nên thuộc sở hữu của các cơ sở nghiên cứu thay vì của Nhà nước. Để kích thích sự sáng tạo của các nhà khoa học, kỹ sư thì nên cho họ hưởng một phần (khoảng 30-50%) kết quả thương mại hoá kết quả nghiên cứu.

Nhà nước thu được thuế, tạo công ăn việc làm khi kết quả nghiên cứu được thương mại hoá. Viện nghiên cứu nhận tiền từ Nhà nước để nghiên cứu dựa trên cơ sở của một hoạt động nghiên cứu nhưng tiền mà cơ sở nghiên cứu nhận được từ Nhà nước để nghiên cứu thì phải chi như tiền ngân sách của một đơn vị hành chính nhà nước, như một cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước làm những việc đã biết, đã định nghĩa nhưng nghiên cứu là việc chưa biết, chưa có nên phải theo một cơ chế khác. Hãy để các viện nghiên cứu chi tiền mà họ nhận được từ Nhà nước để nghiên cứu theo cơ chế chi của doanh nghiệp, cơ chế khoán.

Nhà nước quản lý theo kết quả nghiên cứu, tức là theo mục tiêu, thay vì quản lý cách làm, quy trình.

Muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần nhân lực chất lượng cao. Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các trường đại học cần thu hút được nghiên cứu. Điều này cần Nhà nước, các doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu. Trường đại học phải trở thành trung tâm nghiên cứu, muốn vậy, trường đại học cần trở thành thỏi nam châm hút các nghiên cứu. Thỏi nam châm đó là các phòng thí nghiệm mà các doanh nghiệp không đủ sức đầu tư, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhà nước cần có chương trình lớn đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học. Trong 75.000 tỷ năm 2025 chia cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nên dành 5.000 tỷ cho đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học. Chúng ta làm liên tục việc này trong 5 năm sẽ hình thành căn bản hạ tầng nghiên cứu của các trường đại học. Hiện nay, mỗi năm chúng ta đầu tư cho các phòng thí nghiệm chưa đến 500 tỷ.

Muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thì các doanh nghiệp lớn phải đi đầu. Muốn có doanh nghiệp lớn thì Nhà nước phải giao việc lớn cho họ, có vậy doanh nghiệp Việt Nam mới lớn lên được. Doanh nghiệp sau khi đã thành công cần có những việc lớn, thách thức lớn để tạo nên tự hào Việt Nam. Giao việc lớn, nếu họ chưa đủ công nghệ thì họ sẽ thuê các đơn vị nước ngoài làm cho họ hơn là để các doanh nghiệp nước ngoài thuê chúng ta làm các dự án trong nước.

Các doanh nghiệp lớn phải nhận các nhiệm vụ quốc gia, làm chủ công nghệ chiến lược, các dự án trọng điểm quốc gia. Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp lớn đối với đất nước và đây cũng là nhiệm vụ mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã giao cho các doanh nghiệp, với mục tiêu hình thành các doanh nghiệp Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến.

Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2025 hình thành 5 tập đoàn công nghệ số lớn ngang tầm các nước tiên tiến.

Các doanh nghiệp lớn phải đi đầu về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam khác ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số, khơi dậy làn sóng khoa học công nghệ của cả nước. Các doanh nghiệp lớn nên chi cho đổi mới công nghệ và chuyển đổi số, từ đó tạo thị trường cho các doanh nghiệp chuyển đổi số của Việt Nam, phát triển các doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp lớn phải có trách nhiệm đi đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phải nhận lấy trách nhiệm đổi mới công nghệ và chuyển đổi số của Việt Nam, góp phần vào tăng trưởng GDP.

Các tập đoàn thương mại dịch vụ lớn nên chuyển dịch thành các tập đoàn công nghệ công nghiệp thương mại và dịch vụ. Không làm công nghệ, không làm công nghiệp thì Việt Nam không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao.

Các doanh nghiệp công nghệ lớn phải ra nước ngoài để chinh phục thế giới, thông qua đó học hỏi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội thông qua một số chính sách đặc biệt như cho phép chỉ định thầu các dự án chuyển đổi số 2 năm 2025-2026, tăng ngân sách chi thường xuyên cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin, đầu tư trung tâm điện toán đám mây dùng chung của Chính phủ, hỗ trợ các dự án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, xây dựng trung tâm tính toán AI…

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tong-thuat-hoi-nghi-phat-trien-khcn-doi-moi-sang-tao-va-nhan-luc-chat-luong-cao-thuc-day-tang-truong-kinh-te-a116092.html